Vào hôm 12/1, trong bối cảnh có hơn 1.500 công nhân khai thác và công nhân kỹ thuật đã biểu tình trước tòa nhà quốc hội để ủng hộ ngành than, cơ quan lập pháp của Bulgaria đã bày tỏ sự ủng hộ cho một nghị quyết về việc tránh loại bỏ sớm những nhà máy nhiệt điện than.
Với kết quả 187 phiếu thuận và 11 phiếu chống, cơ quan lập pháp trong bộ máy chính trị đã nhất trí rằng Chính phủ lâm thời của Bulgaria cần bắt đầu đàm phán với Ủy ban châu Âu về việc rút lại cam kết sau: Vào cuối năm 2025, ngành năng lượng của Bulgaria phải giảm được 40% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 2019.
Theo cơ quan lập pháp, cam kết trên sẽ khiến nhiều nhà máy nhiệt điện than, đang chịu trách nhiệm đáp ứng hơn 45% nhu cầu toàn quốc, phải đóng cửa sớm. Cũng theo họ, những nhà máy điện này cần phải duy trì hoạt động bình thường cho đến năm 2038.
Bà Temenuzhka Petkova - cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng phát biểu trước khán phòng: “Những nhà máy nhiệt điện này đang mang lại cho chúng ta sự độc lập và an toàn về năng lượng. Chúng ta cần cứu lấy chúng”.
Bulgaria đã đề ra mục tiêu khí hậu, cũng như từng bước đặt khuôn khổ cho kế hoạch loại bỏ than vào năm 2022. Hoạt động này là một phần của kế hoạch quốc gia nhằm tiếp cận được hơn 6 tỷ euro (6,45 tỷ USD) từ quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu.
Đối mặt với nguy cơ mở ra cuộc bầu cử mới, thêm vào đó là vấn đề giá thành năng lượng tăng cao, cơ quan lập pháp đã cố gắng xoa dịu phía cử tri và đề xuất tái cơ cấu kế hoạch khí hậu nhằm bảo vệ nền kinh tế nhỏ và mở này, ngay cả khi phải đánh mất vài nguồn viện trợ từ EU.
Bulgaria – quốc gia xuất khẩu điện hàng đầu ở vùng đông nam châu Âu, đã sử dụng dòng vốn khổng lồ thu được từ những nhà sản xuất năng lượng (chủ yếu do nhà nước sở hữu) để bảo vệ giới doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí điện tăng cao.
Bên ngoài tòa nhà Quốc hội, những người biểu tình kêu gọi cơ quan lập pháp bảo vệ các mỏ và nhà máy điện tại khu liên hợp than nâu Maritsa East ở miền nam Bulgaria, nơi cung cấp việc làm cho hơn 10.000 người.
Nhóm môi trường Hòa bình xanh đã thúc giục Bulgaria tập trung vào năng lượng tái tạo và cung cấp việc làm mới ở những vùng than, thay vì giữ những nhà máy gây ô nhiễm.