Dự kiến trong giai đoạn 2022-2030 sẽ có 3 sản phẩm thuốc biệt dược gốc quan trọng của AstraZeneca được chuyển giao công nghệ để sản xuất tại Việt Nam.
Ngày 11/10, AstraZeneca Việt Nam thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận để đơn vị này chuyển giao công nghệ, sản xuất một số loại dược phẩm tiên tiến tại Việt Nam.
Theo các điều khoản của thỏa thuận chuyển giao công nghệ, một đơn vị dược phẩm tại Việt Nam sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế chất lượng cao của AstraZeneca trong toàn bộ các quy trình liên quan để sản xuất dược phẩm.
AstraZeneca sẽ cung cấp nguồn hỗ trợ phù hợp về nhân sự, chuyên gia, dây chuyền công nghệ, máy móc trang thiết bị, các tài liệu kỹ thuật và quy trình sản xuất, kiểm nghiệm và xuất xướng nhằm bảo đảm thuốc của AstraZeneca chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam có cùng tiêu chuẩn, chất lượng và hiệu quả với thuốc gốc được sản xuất tại châu Âu, đáp ưng tiêu chuẩn nghiêm ngặt toàn cầu của hãng.
Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết sự kiện là minh chứng rõ nét cho sự cam kết của AstraZeneca trong việc hợp tác chặt chẽ nâng cao năng lực y tế, phát triển ngành dược phẩm của Việt Nam, từ đó hướng tới mục tiêu giúp người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận được các loại thuốc chất lượng cao được sản xuất trong nước.
Sự hợp tác này đã được Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, từng bước tạo ra một hệ sinh thái giúp bệnh nhân tiếp cận hiệu quả quá trình chăm sóc và điều trị chất lượng.
Trước đó, trong buổi lễ công bố khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) của Tập đoàn AstraZeneca nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao việc mở rộng đầu tư lâu dài tại Việt Nam của AstraZeneca đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho AstraZeneca đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.
Dự kiến trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc biệt dược gốc quan trọng của AstraZeneca được chuyển giao công nghệ để sản xuất tại Việt Nam.
Chiến lược Quốc gia Phát triển Ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng đã xác định thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dược trong nước thông qua quan hệ hợp tác đổi mới và hội nhập quốc tế về dược đồng thời xây dựng và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến, hiện đại./.