Trong khi nhóm hàng thủy sản, da giày xuất khẩu sụt giảm mạnh thì xuất khẩu gạo của tỉnh Kiên Giang tăng mạnh theo nhu cầu thị trường.
Điểm sáng xuất khẩu gạo
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, trong khi nhiều nhóm hàng xuất khẩu như rau quả, hải sản, da giày… ghi nhận kim ngạch sụt giảm trong những tháng đầu năm nay do cầu thị trường giảm thì mặt hàng gạo xuất khẩu trở thành điểm sáng với kim ngạch ấn tượng. Cụ thể, tính đến hết tháng 9 năm 2023, xuất khẩu gạo của Kiên Giang đạt 222,13 triệu USD, tăng mạnh 59,48% so với cùng kỳ.
Gạo trở thành điểm sáng trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kiều Diễm
Sở dĩ mặt hàng gạo của Kiên Giang bất ngờ gia tăng kim ngạch được Sở Công Thương tỉnh này cho biết do thị trường có nhu cầu nhiều hơn sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng vào cuối tháng 7/2023. Theo đó, nhu cầu gạo của các quốc gia gồm Philippines và Indonesia rất lớn do ảnh hưởng từ việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ cũng như sụt giảm diện tích trồng lúa do biến đổi khí hậu.
Liên quan đến nhu cầu thị trường gạo thế giới, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- cho biết, gần đây thông tin Indonesia sẽ cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, là một tin vui cho ngành gạo của Việt Nam. Ngoài Indonesia thì một thị trường truyền thống khác của Việt Nam là Philippines cũng vừa dỡ bỏ giá trần nội địa đối với gạo xát thường và gạo xát kĩ. Việc này giúp doanh nghiệp của ngành gạo khởi động lại các hợp đồng đã ký sau hơn 1 tháng tạm ngưng vì chính sách của Philippines.
Cũng theo ông Nam, hiện xuất khẩu gạo của nước ta ngoài gạo 5% tấm (hiện có sản lượng rất ít) thì các chủng loại gạo thơm như ST25, ST21, OM18, Jasmine,… được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng vì phù hợp với khẩu vị và có giá tốt.
Được biết, những loại gạo này cũng đang là lợi thế của ngành nông nghiệp Kiên Giang khi tỉnh này đang canh tác với diện tích chiếm gần 98,5% tổng diện tích gieo sạ.
Chủ động tận dụng cơ hội
Trong kế hoạch năm 2023, Kiên Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 188 triệu USD nhưng chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm tỉnh này đã vượt xa mục tiêu đề ra. Và theo Sở Công Thương Kiên Giang, dự báo trong quý IV hoạt động xuất khẩu gạo của tỉnh sẽ còn gia tăng do thị trường có nhiều thuận lợi.
Để tranh thủ cơ hội từ thị trường, dưới góc độ quản lý ngành, ông Trương Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang - cho biết: Sở sẽ thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, báo cáo UBND kịp thời chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất theo Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh đó, phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất tập trung với quy mô lớn; liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu trên địa bàn để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững.
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ thông tin, phổ biến nội dung liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định EVFTA, CPTPP… để doanh nghiệp trong tỉnh tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao vào những thị trường này.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Phạm Văn Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC), doanh nghiệp này đã chủ động nguồn nguyên liệu theo hình thức liên kết tiêu thụ. Cụ thể là tạo chân rết thị trường với hệ thống thương lái, nhà máy xay xát, chế biến gạo, tổ chức thu mua từ các vùng nguyên liệu chủ lực nhằm đảm bảo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Theo kế hoạch, năm 2023 Kiên Giang đề ra kế hoạch xuất khẩu gạo đạt 188 triệu USD. Tuy nhiên chỉ trong 9 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã vượt kế hoạch đề ra khi đạt 222,13 triệu USD.