Các tổ chức tài chính vi mô được hình thành với mục tiêu trợ giúp cho các đối tượng khó khăn trong xã hội được tiếp cận dịch vụ tài chính, dịch vụ đào tạo, dịch vụ việc làm… với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước và từ chính các tổ chức tài chính vi mô.
Khái niệm tài chính vi mô
Tài chính vi mô (TCVM) là việc cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. TCVM thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo, người có thu nhập thấp có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng khó tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức.
Tổ chức TCVM là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô của Indonesia và Thái Lan
Indonesia
Tại Indonesia, các tổ chức TCVM đạo Hồi (Islamic) là các tổ chức tài chính chủ yếu cung cấp các nguồn vốn cho các đối tượng người nghèo, đặc biệt ở những vùng nông nghiệp, có người dân theo đạo Hồi. Chính các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo ở khu vực nông nghiệp ở Indonesia.
Sự phát triển của các tổ chức TCVM đạo Hồi được bắt đầu từ sự thành lập và phát triển của các ngân hàng đạo Hồi tại Trung Đông từ những năm 1960 (Ainley và các cộng sự, 2007). Theo Abdouli (1991), có 3 nguyên tắc hợp đồng tài chính đạo Hồi mà các tổ chức TCVM có thể dựa vào và xây dựng được các tổ chức TCVM thành công là: (1) mudarabah (chia sẻ lợi nhuận); (2) musyarakah (liên doanh) và, (3) murabahah (chi phí cộng lãi). Trong 3 nguyên tắc trên, muadarabah và musyarakah là hình thức tài trợ thông qua đầu tư vốn cổ phần; trong khi murabahah là hình thức tài trợ vốn dựa vào quan hệ vay mượn.
Trong các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 1997; năm 2008), các tổ chức TCVM ở Indonesia cho thấy ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô thay đổi đột ngột. Điều này đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại tại Indonesia quan tâm và bắt đầu tham gia đầu tư vào thị trường vốn dành cho các tổ chức TCVM. Ví dụ: Ngân hàng Danamon đã bắt đầu tham gia vào thị trường vốn vi mô từ năm 2004 và đã nhanh chóng lớn mạnh, trở thành một trong 5 ngân hàng lớn nhất Indonesia.
Chính việc tham gia của các ngân hàng thương mại đã làm cho hoạt động của các tổ chức TCVM được thuận lợi và trở nên cạnh tranh hơn so với các chương trình đầu tư khác (Sunarto và Nberg, 2007). Trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng 2008, lãi suất mà tổ chức TCVM thỏa thuận với các ngân hàng thương mại tại Indonesia dao động trong khoảng 12-13%/năm; trong khi với các khách hàng khác phải trả lên đến 20%-24%/ năm.
Tổ chức TCVM được các ngân hàng đảm bảo về lượng vốn đầu để hoạt động đặc biệt với tổ chức TCVM có chất lượng tốt, khả năng thành công cao; trong khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ yên tâm hơn khi cấp vốn cho tổ chức TCVM với mức độ rủi ro thấp, do các tổ chức TCVM có liên kết với các ngân hàng đó đã có kinh nghiệm làm việc, hợp tác, lựa chọn các tổ chức TCVM trong quá khứ.
Thái Lan
Tại Thái Lan, Chính phủ là chủ thể cung cấp vốn chủ yếu cho tổ chức TCVM cho các hộ gia đình nghèo, với bề dày tài trợ cho các dự án TCVM lên đến hơn 30 năm (Fongthong và Suriya, 2014). Theo đó, Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan lần thứ 12, với chiến lược giai đoạn 2017-2036 đã xác định rõ vai trò của các tổ chức TCVM trong việc giúp các cá nhân, hộ gia đình nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính, dịch vụ phụ trợ nhằm phát triển kinh tế xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo.
Các tổ chức TCVM tại Thái Lan được chia thành 3 nhóm chính (Bird và các cộng sự, 2011) gồm:
- Các tổ chức TCVM chính thức, các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng, được kiểm soát bởi các quy định an toàn nhất định. Nhóm này chủ yếu là các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính đặc biệt (SFI6).
- Các tổ chức TCVM bán chính thức (semi-formal). Các tổ chức này không bị kiểm soát bởi các quy định an toàn; tuy nhiên vẫn có tư cách pháp nhân (Tambunlertchai, 2015). Nhóm này bao gồm các hợp tác xã, các nhóm tiết kiệm cho sản phẩm (SGPs7), và các quỹ của các thôn làng (VFs8). Ở Thái Lan, số lượng các cá nhân tham gia vào hợp tác xã tăng lên nhanh chóng, từ 10.329.036 thành viên năm 2009, lên đến 11.636.166 thành viên vào năm 2018 (CPD, 2019). Các hợp tác xã này hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 1968 và được quản lý bởi CPD và CAD (Adittor, 2016).
Các nhóm tiết kiệm cho sản phẩm (SGPs) được thành lập với 2 mục tiêu chính là phát triển con người bền vững và giải quyết các thiếu hụt nguồn tiền của các thành viên khu vực nông thôn. Các tổ chức SGPs được thành lập dựa trên các tổ chức tài chính cộng đồng nông nghiệp, được bảo trợ bởi CDD và Bộ Nội vụ Thái Lan (Lewis và các cộng sự, 2013). Các quỹ thôn làng (VFs) được thành lập và hoạt động từ năm 2001, dưới sự gợi ý của chính phủ Thái Lan, thông qua chương trình hệ thống tài chính nông thôn Thái Lan; hoạt động dựa trên nguyên tắc cộng đồng.
- Các tổ chức TCVM phi chính thức, được thành lập và hoạt động không đăng ký thông qua chính quyền. Nhóm các tổ chức TCVM này có quy mô nhỏ hơn các nhóm chính thức và nhóm bán chính thức. Nhóm thứ ba thường hoạt động trong phạm vi làng xóm (Bird và các cộng sự, 2011; Lewis và các cộng sự, 2013).
Tại Thái Lan, Bộ Tài chính đã cung cấp các dịch vụ tài chính dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, dựa trên 3 hình thái: (i) Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm bắt đầu các hoạt động TCVM tại Thái Lan; (ii) Cho phép các ngân hàng thương mại liên kết với các bên thứ ba là các chuyên gia về TCVM, và các nhà đầu tư nước ngoài có liên quan; (iii) Cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện các chương trình TCVM thông qua các mục tiêu khác nhau.
Phát triển của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam
Các chính sách
Nhằm đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu toàn diện thị trường tài chính, hàng loạt các văn bản pháp lý được ban hành và chi phối mạnh mẽ hoạt động TCVM. Cụ thể: Ngày 06/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020. Tiếp đó, ngày 12/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Sự ra đời của Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống TCVM theo Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 và là cơ sở pháp lý đầu tiên hướng dẫn về nội dung hoạt động, phạm vi hoạt động đối với các chương trình, dự án TCVM, tạo nền tảng cho các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở quản lý thống nhất các chương trình, các dự án TCVM đang hoạt động nhỏ lẻ, đa dạng và trải rộng trên phạm vi cả nước.
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đã xác định: “Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án TCVM hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.
Kết quả đạt được
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2022, có 04 tổ chức TCVM gồm: Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình Thương (TYM), Tổ chức TCVM TNHH M7 (M7 - MFI), Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa (Thanh Hóa - MFI), Tổ chức TCVM TNHH MTV CEP đã được NHNN cấp phép hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Còn theo Báo cáo hoạt động năm 2022 của Nhóm Công tác Tài chính vi mô (VMWG), về mạng lưới và số lượng khách hàng, tổng số chi nhánh của 04 tổ chức TCVM là 62 chi nhánh, hoạt động tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, CEP có mạng lưới hoạt động với độ bao phủ rộng nhất, gồm 35 chi nhánh tại 9 tỉnh, thành phố; TYM gồm 21 chi nhánh, 39 phòng giao dịch tại 13 tỉnh, thành phố, phục vụ 190.000 khách hàng với tổng dư nợ cho vay đạt gần 2.400 tỷ đồng; M7 - MFI có 03 chi nhánh tại 02 tỉnh, thành phố và Thanh Hóa - MFI có 04 chi nhánh trên cùng một địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mạng lưới hoạt động của 04 tổ chức TCVM đã có số lượng khách hàng thành viên lên tới 603.590 khách hàng và số lượng khách hàng được vay vốn lên tới 467.935 khách hàng.
Nhìn chung, các tổ chức TCVM đều nỗ lực nâng cao năng lực, hướng đến sự bền vững và chuyên nghiệp hơn, hoạt động có lãi, nợ xấu thấp, tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật. Các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng tương đối ổn định kể từ khi chuyển đổi đến nay.
Về đóng góp cho xã hội, gần nửa triệu khách hàng đã tiếp cận được các khoản vay từ các tổ chức TCVM. Quy mô khoản cho vay trung bình của các tổ chức TCVM là khoảng 15,8 triệu đồng/khách hàng - tương đương gần 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay. Với quy mô khoản vay như vậy cho thấy, các tổ chức TCVM đã và đang tập trung cho vay đúng phân khúc khách hàng mục tiêu của mình là những người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ngoài ra, các tổ chức TCVM vẫn duy trì các hoạt động phi tài chính, như các tổ chức này đã triển khai trước khi chuyển đổi thành các tổ chức TCVM.
Nhìn chung, các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM đã góp phần cung cấp vốn sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, qua đó, đóng góp cho sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Quy mô khoản cho vay trung bình của các tổ chức tài chính vĩ mô là khoảng 15,8 triệu đồng/khách hàng - tương đương gần 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay. Với quy mô khoản vay như vậy cho thấy, các tổ chức tài chính vĩ mô đã và đang tập trung cho vay đúng phân khúc khách hàng mục tiêu của mình là những người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Một số khó khăn, hạn chế
Do quy mô, hình thức tổ chức của các chương trình, dự án TCVM tại Việt Nam còn trải rộng, nhiều chương trình, dự án TCVM do nhiều tổ chức thực hiện, nên quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, hạn chế sau:
Một là, tổ chức TCVM không được thực hiện nghiệp vụ thanh toán nên việc mở rộng kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ không phát huy được hiệu quả. Trong khi đó, chi phí cho việc đầu tư công nghệ rất lớn, vượt quá khả năng của tổ chức TCVM.
Hai là, tổ chức TCVM cũng gặp khó khăn về đối tượng khách hàng và mức vốn vay. Nếu căn cứ theo Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc NHNN quy định “Tổng dư nợ cho vay của tổ chức TCVM đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 triệu đồng”, thì mức vay này được đánh giá còn khá khiêm tốn với mục tiêu toàn diện hóa đối tượng. Thông tư số 03/2018/TT-NHNN cũng không quy định đối tượng khách hàng TCVM bao gồm người “có thu nhập thấp” như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 dẫn tới khó khăn cho các tổ chức TCVM trong mở rộng đối tượng phục vụ.
Chính vì thế, các chương trình TCVM còn chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu vay vốn cũng như nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính khác của người nghèo.
Ba là, với phạm vi hoạt động hiện nay (chủ yếu nhận tiết kiệm và cho vay), các tổ chức TCVM gặp khó trong đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Việc các quy định về thành lập mới, chuyển đổi chương trình, dự án TCVM cần được nghiên cứu, rà soát lại phù hợp với điều kiện hiện nay và có tính khả thi hơn.
Bốn là, các tổ chức TCVM phần lớn còn hoạt động độc lập, đơn lẻ, chưa nối kết tốt, do vậy chưa tạo ra được sức mạnh tổng thể chung để khai thác hết tìm năng của hoạt động này.
Giải pháp phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam
Để các tổ chức TCVM ngày càng phát huy được hiệu quả hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Về phía Nhà nước
Để phát triển TCVM hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, rà soát, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện phát triển chương trình, dự án TCVM theo hướng bền vững hơn, góp phần tích cực vào phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Về phía NHNN: cần điều chỉnh quy định giới hạn dư nợ tối đa trên một khách hàng và tỷ lệ dư nợ đối với nhóm khách hàng khác, sửa đổi Thông tư số 03/2018/TT-NHNN bổ sung đối tượng “thu nhập thấp” để phù hợp với quy định Luật Các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, xây dựng và sửa đổi khung pháp lý cho TCVM ở Việt Nam nhằm thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và hợp tác theo nguyên tắc thị trường.
Về phía các tổ chức TCVM
- Tiếp tục thực hiện sứ mệnh giảm nghèo cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính đa dạng hơn nữa, phù hợp hơn nữa với từng đối tượng khách hàng cụ thể, lấy sự kết hợp giữa trách nhiệm và tình thương làm giá trị cốt lõi cho phương thức hoạt động, lấy việc nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo là kết quả cuối cùng của hoạt động TCVM.
- Từng bước mở rộng phạm vi hoạt động một cách vững chắc trên cơ sở huy động nguồn vốn, tín dụng. Đồng thời, xây dựng lộ trình tăng vốn từ các nguồn vốn đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các tổ chức quốc tế và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong xã hội cũng như các khoản tiết kiệm của thành viên vay vốn.
- Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán, quản trị vốn tín dụng và cải cách quy trình vay, trả với từng thành viên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành viên trong việc tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Đa dạng hóa sản phẩm, hợp tác với các tổ chức tín dụng và Fintech để gia tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin tại tổ chức để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu này; tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ số, giúp người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ tài chính trên nền tảng số.