Tính tới giữa tháng 10/2023, tiến độ thi công các công trình kè bờ chống sạt lở, xử lý cấp bách sạt lở bờ sông tại tỉnh Đồng Tháp đều có tiến độ nhanh. Trong tổng số 546,559 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023 bố trí cho 5 dự án, Đồng Tháp đã giải ngân được 481,824 tỷ đồng, đạt 88,16% kế hoạch. Không vướng mặt bằng, thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang dồn lực thi công để sớm cán đích.
Theo đó, Dự án Xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò là công trình cán đích giải ngân sớm nhất. Dự án có tổng mức đầu tư 399,077 tỷ đồng, với tuyến kè 2,2 km. Năm 2023, Dự án được bố trí kế hoạch vốn 289,259 tỷ đồng và đến thời điểm hiện tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Nông nghiệp) tỉnh Đồng Tháp (Chủ đầu tư) đã giải ngân 100% kế hoạch vốn. Cả 2 gói thầu xây lắp của Dự án đã thực hiện được 98% giá trị hợp đồng.
Một dự án cũng cơ bản hoàn thành là Dự án Kè chống sạt lở và trồng cây bảo vệ đường tuần tra biên giới (giai đoạn 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 84,9 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 97,17% kế hoạch vốn năm nay. Theo đó, các gói thầu xây lắp của Dự án đã thi công hoàn thành 100% giá trị hợp đồng.
Được bố trí lượng vốn lớn thứ 2 trong nhóm các công trình kè chống sạt lở là Dự án Kè Hổ Cứ thuộc địa phận xã Hòa An, TP. Cao Lãnh, với vốn kế hoạch năm 2023 là 134,3 tỷ đồng. Đến nay, Đồng Tháp đã giải ngân 96,05% kế hoạch. Có mặt tại công trường, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận lượng lớn thiết bị xây dựng và nhân lực được huy động.
Ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, Dự án Kè Hổ Cứ có tổng mức đầu tư 287,404 tỷ đồng, quy mô 2,7 km với mục tiêu chống sạt lở bờ sông Tiền trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu tại TP. Cao Lãnh. Do vậy, Chủ đầu tư luôn quan tâm, đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời bảo đảm chất lượng công trình. Hiện cả 3 gói thầu xây lắp đều đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, Gói thầu số 7 Kè tường bê tông cốt thép bảo vệ bờ đoạn 2 (hơn 120,26 tỷ đồng) đã đạt khối lượng thi công khoảng 65% giá trị hợp đồng. Nhà thầu đảm nhiệm là Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương đang tiếp tục đổ cọc bê tông cốt thép, thi công đóng cọc, chân kè, mái kè… Còn tại Gói thầu số 6 (68 tỷ đồng), Công ty CP Nhân Bình đã đạt 67% giá trị hợp đồng; tại Gói thầu số 8 (47,117 tỷ đồng), Công ty CP Bảo Chung thi công đạt 68% giá trị hợp đồng.
“Đến nay, giá trị thực hiện công trình kè Hổ Cứ đạt 128,994 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá tiến độ xây dựng nhanh và sẽ sớm giải ngân hết số vốn bố trí trong năm nay”, ông Nguyễn Văn Nhiều cho biết.
Lãnh đạo Ban Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm, Ban đang đôn đốc các nhà thầu tập trung thi công 1 dự án khác có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Đó là Dự án Phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khu vực các xã Long Thuận, Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự). Kế hoạch vốn năm 2023 của Dự án là 64,535 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 34,484 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của Dự án đã nghiệm thu hoàn thành; giai đoạn 2 có 2 gói thầu xây lắp lần lượt đạt tỷ lệ 96% và 97% so với giá trị hợp đồng.
Mấy năm gần đây, với tính chất cấp bách của các công trình kè chống sạt lở, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí vốn và chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư, góp phần ứng phó với diễn biến sạt lở ngày càng khó lường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, nhiều dự án bảo đảm tiến độ xây dựng đúng theo kế hoạch. Ban Nông nghiệp Đồng Tháp đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 và sớm nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình kè chống sạt lở.
Theo đánh giá, giai đoạn thực hiện đầu tư các dự án thuận lợi do được bố trí vốn sớm, lựa chọn được nhà thầu có năng lực và đặc thù công trình kè ít gặp trở ngại về mặt bằng. Ở giai đoạn thi công có khó khăn do thiếu nguồn cát đắp mái kè, nhưng Đồng Tháp có sự điều tiết ưu tiên cho các dự án trọng điểm, cấp bách nên cũng không quá căng thẳng về nguồn cung.