HĐQT MIG vừa thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 1.726,7 tỷ lên 2.014,7 tỷ đồng bằng chào bán cổ phiếu và ESOP.
Theo đó, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC, HOSE: MIG) sẽ chào bán 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15%, với mức giá 10.000 đồng/cp. Đồng thời phát hành ESOP 2,86 triệu cổ phiếu cũng với giá 10.000 đồng/cp. Như vậy tổng phát hành đợt này của MIG 28,76 triệu cổ phiếu.
Thời gian chào bán dự kiến trong quý 4/2023 hoặc quý 1/2024. Dự kiến số tiền thu được từ đợt chào bán là 287,6 tỷ đồng, MIG sẽ chi 100,5 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực, giải pháp triển khai chiến lược; Chi 185,5 tỷ đồng đầu tư tài chính bao gồm đầu tư tiền gửi; Còn 28,6 tỷ đồng từ ESOP tiếp tục đầu tư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi.
Trong khi đó, chốt phiên ngày 3/10, cổ phiếu MIG dừng tại mức 17.000 đồng/cp, ghi nhận giảm nhẹ gần 3% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản không cao khi bình quân chỉ hơn 300 ngàn cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. Như vậy, giá phát hành của MIG thấp hơn 41% so với thị giá.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, MIG thu về lãi ròng hơn 128 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, nhờ cả lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính tăng lần lượt 17% và 24%.
Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền ủy thác đầu tư tăng đến 90% so cùng kỳ lên hơn 118 tỷ đồng.
Năm 2023, MIG đặt mục tiêu đạt 5.638 tỷ đồng tổng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17% và 75% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, Công ty đã thực hiện được 81% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau nửa chặng đường.
Tại thời điểm cuối quý 2/2023, tổng tài sản của MIG tăng 3% so với đầu năm, đạt hơn 8.799 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 46% so với đầu năm lên gần 3.843 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cũng tăng 31% lên hơn 120 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đầu tư tài chính dài hạn giảm mạnh đến 88% so với đầu năm, từ 979 tỷ đồng xuống còn 119 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn (6-12 tháng) với 2.596 tỷ đồng, tăng 1.090 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng tương đương 72%. Đồng thời, MIG ghi nhận mới 140 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 1 năm.
Trong khi đó, tiền gửi kỳ hạn dài (trên 1 năm đến 2 năm) giảm từ 609 tỷ đồng xuống còn 54 tỷ đồng, tỷ lệ giảm tương đương 91%. Mặt khác, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài (2 năm) cũng giảm 140 tỷ đồng, tương ứng với giá trị chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 1 năm phát sinh mới.
Nợ phải trả tăng 3% so với đầu năm, lên hơn 6.870 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự phòng nghiệp vụ gần 4.000 tỷ đồng, giảm 1%.
Minh An