Tại ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra tháng 12 tới đây, Thuỷ sản Minh Phú sẽ trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh và kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023.
ĐHĐCĐ bất thường dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12/2023, danh sách cuối cùng cổ đông tham dự sẽ được chốt ngày01/12 tới đây. Tại Đại hội, Minh Phú sẽ trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Động thái bất ngờ của Thuỷ sản Minh Phú diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Doanh thu thuần quý 3/2023 giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 2.993 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, “vua tôm” lỗ ròng 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 lãi lớn 332 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 23,4 tỷ đồng.
Lý giải việc kinh doanh thua lỗ trong quý 3, Thuỷ sản Minh Phú cho biết do doanh thu giảm. Ngoài ra, do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như Công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH thuỷ sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống thuỷ sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.
Luỹ kế 9 tháng, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.466 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp lỗ ròng hơn 114 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 vẫn lãi đến gần 574 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 9 tháng đầu năm 2023 ở mức gần 110 tỷ đồng.
Năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 12.790 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 639 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 23% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Với việc thua lỗ sau 9 tháng đầu năm, doanh ngiệp này vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2023.
Lĩnh vực nuôi tôm cốt lõi gặp khó, cuộc phiêu lưu với chứng khoán của Thuỷ sản Minh Phú cũng không khả quan hơn. Thời điểm cuối quý 3, doanh nghiệp này dành ra 8,8 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu nhưng đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, “vua tôm” còn đang có gần 123 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và nắm 18 tỷ đồng trái phiếu của các ngân hàng.
Nguồn: BCTC quý 3/2023 của Thuỷ sản Minh Phú
Hà Linh