Sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết: “Bức tranh thương hiệu ACM - Tập đoàn Khoáng sản Á Cường” ngày 29/09/2023 liên quan đến đến hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu đã nhận được nhiều phản hồi. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc thương hiệu Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Những năm gần đây, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Khoáng sản Á Cường) gặp không ít thăng trầm như: Kinh doanh không có doanh thu, cổ phiếu ngày càng ‘teo tóp’ đang nằm trong diện cảnh báo…
Ngày 26/09/2023, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã bị Kiểm toán Nhà nước nêu tên do khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Đáng chú ý, Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường do ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 01/08/2022 có nhiều điểm bất thường, được khách hàng, nhà đầu tư, người tiêu dùng quan tâm như thế nào? Và, quyết định chưa đủ điều kiện pháp lý thì sản phẩm do Á Cường khai thác (nếu có) có được công nhận là sản phẩm hàng hóa chuẩn không?
Bất bình thường trong giấy phép
Liên quan đến Kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Qũy Bảo vệ và phát triển rừng (Qũy) giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng của Kiểm toán Nhà nước vào ngày 26/09/2023 thì, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã bị Kiểm toán Nhà nước "réo" tên trong việc khai thác khoáng sản đối với diện tích rừng 2,5ha.
Tại tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang trình: HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5 ha để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Sự việc này được dư luận – xã hội, bạn đọc cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thương hiệu Khoáng Sản Á Cường quan tâm.
Theo tìm hiểu, vào ngày 01/08/2022, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 768/QĐ-UBND Giấy phép khai thác khoáng sản Cấp cho Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) tại khu vực xã Phong Minh và xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Giấy phép khai thác khoáng sản Cấp cho CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) tại khu vực xã Phong Minh và xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, trong Giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép CTCP Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) bằng phương pháp hầm lò có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại mỏ vàng với tổng diện tích khu vực khai thác: 44,47ha, gồm 06 khu (khu vực Vạn Cung là 16ha, khu vực Suối Luồng 1 là 5,5ha, khu vực Suối Luồng 2 là 2,5ha, khu vực Suối Ngà là 4,02ha, khu vực Suối Khán Phùng là 10,074ha, khu vực Cầu Ván là 6,38ha); Trữ lượng khai thác gồm: Khoáng sản chính (vàng) là 178,24kg và Khoáng sản đi kèm (bạc) là 643,46kg; Công suất khai thác là 7000 tấn quặng vàng/năm (được quy đổi tương ứng với 15kg vàng 99,99%/năm và khoáng sản kim loại bạc đi kèm là 38,67kg/năm hoặc tương ứng với 3000m khối quặng vàng/năm).
Thế nhưng, tại khoản 3, Điều 2 trong Giấy phép khai thác khoáng sản Cấp cho CTCP Khoáng sản Á Cường lại ghi: Trước khi khai thác khoáng sản phải thực hiện “nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; tổ chức cắm mốc giới (theo quy cách mốc địa giới hành chính cấp xã); Bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ theo quy định; thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật…”.
Trong khi đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 53, Luật Khoáng sản 2010 quy định nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản như sau: “Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật này. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản; b) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Ngoài ra, đối với dự án khai thác vàng, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường là rất rõ ràng. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản, chủ đầu tư dự án công trình hầm lò khai thác mỏ vàng gốc nhất thiết phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được cấp Giấy phép khai thác.
Như vậy, với những quy định nêu trên của các Luật: Bảo vệ môi trường 2014, Luật Khoáng sản 2010 cho thấy trình tự cấp phép khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) tại xã Phong Minh và xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, do ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký là chưa bám sát quy định của pháp luật!
Nhận thấy nhiều điểm bất thường trong Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc), Phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để làm rõ vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, ông Pích nói rằng: Việc này đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận và giới thiệu phóng viên sang làm việc với cơ quan tham mưu cho tỉnh về vấn đề rừng là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang.
Ngày 02/11/2023, Phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có buổi trao đổi với ông Từ Quốc Huy – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang. Tại buổi trao đổi, ông Huy khẳng định: “Chúng tôi không tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản đề xuất Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc). Chúng tôi không phải là cơ quan tham mưu cấp giấy phép khai thác khoảng sản. Liên quan đến 2,5 ha rừng trong giấy phép do UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép cho Á Cường khai thác quặng vàng, chúng tôi nhận thấy, hiện tại Á Cường vẫn chưa làm các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng của 2,5 ha mà trước đó là cấm, giờ sang được phép…”.
PV cung cấp thông tin: Có nguồn tin bạn đọc phản ánh, Á Cường hiện đang cho máy móc, thiết bị vào khai thác, có đúng không? Ông Huy cho biết: “Doanh nghiệp nói rằng, chưa khai thác. Hiện tượng trên là có nhưng đó là khai thác trộm, bất hợp pháp. Hiện nay, Ủy ban huyện Lục Ngạn và Chi cục Kiểm lâm chúng tôi phải cử người đến để bảo vệ khu mỏ. Dù Kiểm lâm đang thiếu cán bộ thực thi nhiệm vụ, vẫn phải cử người đến.”
Vấn đề đặt ra, vậy ông Pích và tỉnh Bắc Giang sao phải vội vàng cấp giấy phép cho Á Cường trong khi chưa có điều kiện cần và đủ để được khai thác quặng vàng. Vậy, việc cử cán bộ “bảo vệ” mỏ quặng cho doanh nghiệp như thế thì kinh phí được hạch toán như thế nào? Cán bộ đó sẽ được xem xét hoàn thành nhiệm vụ, xét thi đua ra làm sao?
Xung quanh việc cấp giấy phép khai thác quặng vàng cho Á Cường, chúng tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, xem xét, nếu có vi phạm, cần xử lý để tránh tình trạng “lợi ích nhóm” trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Kinh doanh “sa sút”, đầu tư tài chính kém hiệu quả?
Mới đây, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (UPCoM:
ACM) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2023. Kết quả cho thấy, quý này, Khoáng sản Á Cường tiếp tục không có doanh thu. Điều đáng nói, đây không phải quý đầu tiên Khoáng sản Á Cường không có doanh thu mà tình trạng này xuất hiện từ quý I/2020.
Do vậy, lợi nhuận sau thuế của Khoáng sản Á Cường trong quý III/2023 âm 2,4 tỷ đồng giảm 233 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái (âm 2,7 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Khoáng sản Á Cường âm 7,4 tỷ đồng (giảm 249 triệu đồng) so với năm 2022. Kéo theo đó, chi phí tài chính tăng 57 triệu đồng đạt 6,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 763 triệu đồng, giảm 28% so với hồi đầu năm 2023.
Tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản của thương hiệu Khoáng sản Á Cường đạt 534 tỷ đồng, giảm 670 triệu đồng so với thời điểm đầu năm 2023. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của Khoáng sản Á Cường là tài sản cố định ghi nhận mức 190 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của Á Cường đạt 163 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là hàng tồn kho đạt 143,9 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 340 triệu đồng, tăng 134% so với hồi đầu năm
Không chỉ có kết quả “sa sút”, BCTC 9 tháng đầu năm 2023 của Khoáng sản Á Cường tháng đầu năm của Khoáng sản Á Cường ghi nhận hơn 119,8 tỷ đồng khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn. Trong đó, hơn 31,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư phát triển DHA Hà Nội; Hơn 30,2 tỷ đồng của Công ty TNHH Lê Giang; Hơn 21,1 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim loại màu Vũ Gia; Hơn 18,2 tỷ đồng của Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Thăng Long; Hơn 18,1 tỷ đồng của Công ty CP Diệp Bảo Anh và 128,4 triệu đồng của Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Xuất nhập khẩu Thảo Anh.
Bên cạnh đó, Khoáng sản Á Cường có hơn 59,7 tỷ đồng khoản phải thu khác bao gồm ngắn hạn (16,2 tỷ đồng) và dài hạn (43,4 tỷ đồng). Trong đó, tạm ứng (7,2 tỷ đồng), Công ty TNHH An Phú (9 tỷ đồng) và Công ty CP Đô Linh (43,4 tỷ đồng).
Thuyết minh tại BCTC cho thấy, công ty tạm ứng 7,2 tỷ đồng để triển khai dự án “Khai thác và chế biến quặng vàng gốc tại xã Minh Phong, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang theo quyết định phê duyệt quy hoạch số 2184/QĐ-UBND và 2185/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 của UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Hiện tại Công ty đang lập kế hoạch giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng tiến hành đánh giá tác động môi trường, xây dựng lắp đặt xưởng sơ chế tại mỏ trước khi chở về Nhà máy chế biến chuyên sâu.
Ngoài ra, Khoáng sản Á Cường có hơn 144,7 tỷ đồng hàng tồn kho tăng 13% so với đầu năm, dự phòng với số tiền là 771 triệu đồng và hơn 122,3 tỷ đồng nợ xấu tại 06 công ty và các khoản trả trước cho người bán.
Về vay nợ và thuê tài chính, công ty có 78,5 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn và 35,8 tỷ đồng khoản vay dài hạn. Tất cả khoản vay ngắn và dài hạn đều vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Tây (BIDV).
Trong thuyết minh BCTC nêu: “Do nguồn lực tài chính không đảm bảo nên toàn bộ các khoản vay của Công ty đều đã quá hạn thanh toán. Đồng thời, khả năng trả nợ của Công ty phụ thuộc vào việc đàm phán với Ngân hàng về thời gian trả nợ cũng như nguồn tiền thu được trong tương lai. Do hệ số nợ của công ty ở mức cao nên Công ty chưa xác định số có khả năng trả nợ cũng như nợ quá hạn thanh toán tại thời điểm lập BCTC”.
Chúng tôi thực hiện bài viết này với mong muốn thương hiệu Khoáng sản Á Cường luôn là thương hiệu mang lại những sản phẩm thật uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng; doanh nghiệp thì ngày càng phát triển bền vững.