Đề xuất được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch nêu tại "Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" được tổ chức ngày 15/11/2023 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì…
Ảnh minh họa.
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa đang có dấu hiệu chững lại.
Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả.
TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023. Hội nghị được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm (thường từ tháng 10 hằng năm đến tháng 3 năm sau).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng chỉ ra việc truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng ngày 15/11 tại Hà Nội.
Cùng với đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp.... Nhiều mối liên kết biến mất kể từ dịch bệnh, nên khi du lịch mở cửa lại đã nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá tùy tiện. Ngành du lịch cũng không thể triển khai khuyến mại kích cầu, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. Ông Vũ Thế Bình nêu hàng loạt vấn đề cần phải khắc phục như nhân lực; đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nông thôn...
Về phía doanh nghiệp, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện cho Sovico và hãng hàng không Vietjet cho rằng đây là giai đoạn nhiều cơ hội nhưng cũng đầy biến động, thách thức. "Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế xinh đẹp như: đảo ngọc Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng là mỗi nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn; dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. Đây là những khối tài sản của quốc dân, xã hội, là việc làm cho hàng trăm ngàn người trong khu vực du lịch".
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt.
Chủ tịch Vietjet cho rằng chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại. Nữ tỷ phú đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, hội nghị rằng: "Hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng… mỗi vùng miền, địa phương đều có những bản sắc cuốn hút riêng". Theo đó, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, ngay dịp tháng 12/2023 và đầu năm 2024, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vân Đồn, Hải Phòng, Huế,… bên cạnh TP.HCM, Hà Nội.
HÚT DU KHÁCH BẰNG CHÍNH SÁCH THỊ THỰC
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng là một trong các giải pháp giúp du lịch đi nhanh hơn, nhưng để bền vững hơn, quan trọng là phải phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mỗi địa phương. Ví dụ, Hà Nội đẩy mạnh du lịch văn hóa, còn TP.HCM lại hướng về du lịch nông thôn.
"Sở du lịch sẽ liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để đưa các sản phẩm văn hóa của Hà Nội đến với du khách. Chúng tôi hy vọng với những lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, du khách sẽ có những trải nghiệm hấp dẫn", ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết.
"TP.HCM đã xây dựng chương trình phát triển du lịch đến năm 2030 và mảng du lịch nông nghiệp nông thôn là một trong những điểm mới của chương trình này. Thời gian qua, ngành du lịch đã phối hợp với ngành nông nghiệp để xây dựng sản phẩm du lịch", ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho hay.
Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, ngành du lịch cần mạnh dạn đặt mục tiêu đón 18 - 20 triệu khách quốc tế trong năm 2024 từ đó đưa ra những giải pháp phát triển du lịch mang tính đột phá. “Muốn đón được 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, ngành du lịch cần cập nhật lại chiến lược phát triển, đồng thời củng cố lại Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch. Ngoài ra nên tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc tế để tăng sức hút với du khách”, ông Kỳ hiến kế.
Ngành du lịch không thể triển khai khuyến mại kích cầu, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh.
Đặc biệt, Bộ VHTT&DL đề xuất nghiên cứu miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm thu hút nguồn khách từ những quốc gia này, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu... Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu,...
Song song đó, cần triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, nhất là thị trường du lịch quốc tế như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông... Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của ngành, du lịch được kỳ vọng có thể phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa.