Ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trong quý III/2023 có dấu hiệu khởi sắc hơn các quý trước. Nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Đối diện nhiều khó khăn thách thức
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thông tin về tình hình cụ thể một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh 9 tháng của năm 2023. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử có sự phục hồi vào quý II nhưng lại sụt giảm vào quý III. Chỉ số sản xuất quý III chỉ tăng 7,06% (quý I tăng 6,07%, quý II tăng 12,11%), tính chung 9 tháng tăng 8,41%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Giá trị gia tăng (GTGT) 9 tháng đã qua ước tính tăng 10,70% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 8,94%, qúy II tăng 15,98%, quý III tăng 7,57%). Tuy thấp hơn mức tăng những năm trước, nhưng với cơ cấu chiếm trên 48% GTTT ngành công nghiệp toàn tỉnh, ngành linh kiện vẫn là động lực chính đóng góp tới 2,20 điểm % vào tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Vĩnh Phúc.
Trong khi, ngành sản xuất ô tô từ đầu năm đến hết quý III, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao nên dù được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (Nghị định 41/2023/NĐ-CP về giảm mức thu lệ phí trước bạ từ 01/7/2023) song lượng hàng tồn kho vẫn cao.
Ngoài ra, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, xe động cơ điện liên tục giảm giá để cạnh tranh với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã ảnh hưởng đáng kể đến thị phần của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh Vĩnh Phúc như Toyota và Honda.
Trong 9 tháng của năm 2023, số lượng sản xuất của ngành ô tô ước đạt 28,3 nghìn xe, giảm 30,82% so với năm trước (9 tháng năm 2022 đạt 40,9 nghìn xe). GTTT của ngành ước tính giảm 29,24%, làm giảm 1,14 điểm % tăng trưởng chung.
Đối với ngành sản xuất xe máy, chỉ số sản xuất của ngành trong 9 tháng của năm 2023 giảm 11,8%; sản lượng xe máy đạt gần 1,17 triệu xe, giảm 9,38% so với cùng kỳ (9 tháng 2022 đạt 1,29 triệu xe).
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm xe máy trong nước ở giai đoạn bão hòa, một bộ phận người dân có nhu cầu chuyển sang mua ô tô hoặc các sản phẩm xe máy điện đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm. GTTT 9 tháng năm 2023 của ngành xe máy ước tính giảm 10,79%, làm giảm 1,06 điểm % tăng trưởng chung của địa phương.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đã tác động không nhỏ tới nguồn thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Điều này đã tác động đến phần thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm của địa phương, do đó ước tính thuế sản phẩm trừ nợ cấp chỉ tăng từ 1,84% so với cùng kỳ năm 2022.
Và những “điểm sáng” trong tăng trưởng
Ngành xây dựng, với nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc quyết liệt triển khai vốn đầu tư công, GTTT ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt mức tăng khá, đặc biệt trong ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng 9,8% và xây dựng chuyên dụng tăng 37,65%.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, xây dựng nhà ở trong dân cư (chiếm 73% tổng GTTT ngành xây dựng) chỉ đạt mức tăng thấp 2,89%. GTTT ngành xây dựng quý III ước tính tăng 6,12%, tính chung 9 tháng của năm 2023 ước tính tăng 5,94%.
Trong quý III, hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ổn định và phát triển. Các chính sách tăng lương từ 01/7, giảm thuế VAT, tăng chỉ thường xuyên từ ngân sách Nhà nước đang trở thành động lực thúc đẩy tăng tiêu dùng trong nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng liên tục tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ước tính doanh thu 9 tháng năm 2023 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của khu vực dịch vụ.
Cụ thể, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 10,95%, đóng góp 0,62 điểm %; Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,65%, đóng góp 0,16 điểm %; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 32,20%, đóng góp 0,14 điểm %; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 14,94% đóng góp 0,04 điểm %... Tính chung tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm ước tăng 8,43%, đóng góp 1,71 điểm % tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Phúc.