Xuất phát từ 1 doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác chế biến đá số vốn ít ỏi chỉ 2,5 tỷ đồng, hơn 15 năm trở lại đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Nam Hà Nội (HOSE: NHA) “tăng nóng” thành 1 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Doanh nghiệp này không chỉ trúng nhiều gói thầu xây lắp do Ban QLDA ĐTXD TX Duy Tiên mời thầu, mà còn là nhà đầu tư “thâu tóm” dự án BT hàng trăm tỷ.
Tăng “nóng”
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Nam Hà Nội, (gọi tắt Công ty Nam Hà Nội) có trụ sở tại Cụm công nghiệp Cầu Giát, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tính đến hết tháng 6/2023, Nam Hà Nội có vốn điều lệ hơn 421,745 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông và kinh doanh bất động sản.
Lộ trình tăng vốn của NHA qua các năm (đơn vị tỷ đồng).
Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Minh Hoàn (sở hữu 23,92%), bà Nguyễn Ngọc Hương (vợ ông Hoàn, sở hữu 3,28%). 2 con trai ông Hoàn là Nguyễn Đức Kiên, Phó Tổng giám đốc sở hữu 5,18% và Nguyễn Thành Mỹ sở hữu 2,49%. Ông Hoàn được nhiều người biết đến khi sở hữu biệt thự “khủng” tại khu đô thị Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên. Biệt thự của ông xây dựng theo kiến trúc Pháp rất cầu kỳ, tinh xảo và nổi bật.
Vào năm 2007,
NHA khởi đầu là 1 doanh nghiệp kinh doanh đá, VLXD mang tên Thành Mỹ với số vốn ít ỏi chỉ 2,5 tỷ đồng, sau khi đổi tên Nam Hà Nội và trở thành công ty đại chúng, Công ty này đã có những sự thay đổi nhanh chóng, đầy tham vọng. Năm 2007,
NHA đã liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn, qua đợt phát hành từ vốn ban đầu 2,5 tỷ đã tăng gần 59 tỷ đồng vào năm 2010, 2 cổ đông lớn của Công ty thời điểm đó ông Nguyễn Xuân Mai 16,98%, Nguyễn Minh Hoàn 11,17%.
Từ tháng 1 đến tháng 3/2022 NHA đạt đỉnh 68.000/cổ phiếu, sau đó trượt dốc, hiện đang giao dịch ở mức 15.000/cổ phiếu.
Năm 2010, Nam Hà Nội niêm yết trên HNX và tiếp tục có cú “bứt tốc” tăng vốn, tăng từ gần 59 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 237,4 tỷ năm 2020, rồi hơn 281 tỷ đồng năm 2021. Sau khi có lộ trình tăng vốn “nóng”, đến đầu tháng 1/2021,
NHA rời HNX chuyển sang niêm yết trên HOSE. Trước khi hủy niêm yết trên HNX, cổ đông nước ngoài là ông Peter Eric Dennis nắm giữ 6,04% vốn đã thực hiện bán 46.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu còn lại 5,85%, đến ngày 26/1/2021, ông này hoàn tất bán toàn bộ số cổ phiếu còn lại.
Chuyển sàn, cổ ngoại “dứt áo” ra đi, sau đó ông Nguyễn Minh Hoàn đã mua thêm 5.848.928 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu của mình từ 22,15% lên 24,22%. Điều đáng chú ý, sau giao dịch của ông Hoàn, vào tháng 8 và 9/2021, ông Nguyễn Thành Mỹ đã 2 lần mua thêm 700.000 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu
NHA đang nắm giữ 9.506.057 cổ phiếu, tương đương 33,81%. Cũng trong tháng 8 và tháng 9/2021 ở chiều ngược lại ông Phạm Ngọc Duyến, Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 700.000 cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,92% xuống còn 0,43%.
5 phiên tăng trần bất thường của NHA. Nguồn HOSE
Sau khi niêm yết trên HOSE không lâu, cổ phiếu
NHA có 5 phiên tăng trần liên tiếp kể từ ngày 25/11 đến ngày 1/12/2022. Sự tăng trần “bất thường” này khiến Sở GDCK TP. HCM có văn bản yêu cầu
NHA giải trình. Trả lời HOSE,
NHA cho biết “giá cổ phiếu tăng là do nhu cầu khách quan của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu là do đầu tư quyết định”.
Những dự án BT “khủng”
Nhiều năm qua, Nam Hà Nội không chỉ trúng thầu xây lắp lớn do BQLDTX Duy Tiên mời thầu mà còn trúng dự án BT (xây dựng – chuyển giao) lớn trị giá hàng trăm tỷ đồng trên địa bàn thị xã. Các dự án BT này được BQLDA ĐTXD TX tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trước khi Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua tháng 8/2020, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Luật chính thức loại bỏ hình thức đầu tư (BT) hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
Trong bản cáo bạch,
NHA liệt kê hàng loạt dự án BT đã và đang triển khai, cụ thể vai trò liên danh với Công ty CP Đầu tư phát triển Thành Đạt, Nam Hà Nội trúng Dự án ĐTXD tuyến đường nối từ nút giao ngã 3 Hòa Mạc đến đường ĐH5, trị giá 145,178 tỷ đồng. Dự án này BQLD ĐTXD TX Duy Tiên đã chỉ định thầu vào đầu tháng 11/2019, sau khi hoàn thành dự án liên danh sẽ được bố trí chuyển giao quỹ đất tại dự án Khu nhà ở chợ Lương và dự án khu Nhà ở đô thị Văn Xá để thực hiện việc đầu tư kinh doanh.
Cũng liên danh với Thành Đạt, Nam Hà Nội còn trúng 2 Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chợ Lương tổng mức đầu tư 247 tỷ đồng và xây dựng HTKT nhà ở KĐT Văn Xá, tổng mức đầu tư 233 tỷ. Cả 3 dự án nêu trên công ty Nam Hà Nội chiếm 60% vốn, Thành Đạt 40% vốn.
Ngoài ra,
NHA liên danh với 2 doanh nghiệp khác trúng thầu Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở Tân Hà (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư 236 tỷ, tỷ lệ vốn 3 thành viên khác 33%, thành viên đứng đầu 34%.
Ở vai trò độc lập,
NHA trúng Dự án Đầu tư xây dựng 5 tuyến đường trục chính thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực trung tâm đô thị Duy Tiên, tổng mức đầu 220 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty này còn là chủ đầu tư của dự án Khu nhà ở đô thị trung tâm Duy Tiên, tổng mức đầu tư 562 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Mộc Bắc 72 tỷ; Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê tại xã Châu Giang, 301 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp khách sạn TMDV tổng hợp và siêu thị, kết hợp văn phòng cho thuê tại Khu đô thị mới dọc QL38, từ phường Hòa Mạc đến cầu Yên Lệnh, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính bán niên 2023 của
NHA cho thấy, tổng nguồn vốn phân bổ xây dựng dự án nêu trên là hơn 404,9 tỷ đồng. Trong đó, dự án Đầu tư xây dựng 5 tuyến đường trục chính khu vực trung tâm đô thị Duy Tiên theo hình thức BT là 24,5 tỷ; Dự án nút giao ngã 3 Hòa Mạc 171,6 tỷ. Tại dự án Khách sạn Hòa Mạc 163 tỷ,
NHA cho biết, đã thế chấp ngân hàng làm tài sản đảm bảo khoản vay hơn 145,6 tỷ đồng.