Quý III đi qua không mấy khả quan khi tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết giảm quý thứ 4̛ liên tiếp.
“Đơn hàng sản xuất, sức tiêu thụ của thị trường, đặc biệt tại TP.HCM vẫn ở mức rất thấp, người dân siết chặt chi tiêu. Một số ngành nghề có khả quan đôi chút nhưng hiệu quả vẫn thấp”, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhận định về quý III vừa qua.
Cầu tiêu dùng và xuất khẩu còn yếu
Giống như phản ánh của đại diện cho khoảng 16.000 doanh nghiệp như HUBA, theo báo cáo của SSI Research, kết quả kinh doanh quý III cập nhật đến ngày 1/11 cho thấy, các nhóm ngành tiêu dùng tiếp tục giảm khi cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều chưa được cải thiện. Các ngành bán lẻ (-67,8% so với cùng kỳ), hàng cá nhân và gia dụng (-41,4%), ô tô và phụ tùng (-54,5%), thực phẩm và đồ uống (-7%) giảm quý thứ 4 liên tiếp. Các ngành này có thể cần nhiều thời gian để tạo đáy và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận.
Ngành bất động sản giảm mạnh (-32,4% so với cùng kỳ) khi nhiều doanh nghiệp đầu ngành ghi nhận lợi nhuận đi xuống như Vinhomes (-26,4% do doanh thu tài chính sụt giảm so với nền cao năm ngoái), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (-99%), Khang Điền (-39%), Bất động sản Phát Đạt (-86%), Tổng Công ty IDICO (-68%), Novaland (-42%), trong khi số ít doanh nghiệp tăng trưởng tốt như VRE (+66%), Sunshine Homes (+608%), Nam Long (+39%), An Gia (+89%).
Có thể thấy, đa phần doanh nghiệp vẫn trong trạng thái cầm cự khi lực kéo sụt giảm không còn mạnh như 2 quý đầu năm. Khó khăn hơn khi doanh nghiệp phải đối diện với sức cầu thấp cả trong và ngoài nước. Điều này khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, vay vốn làm ăn, bất chấp nhiều chính sách ưu đãi tín dụng từ ngân hàng.
Báo cáo của VNDIRECT cũng cho thấy tình hình không khả quan khi tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5,5% so với cùng kỳ trong quý III, ghi nhận quý giảm thứ 4 liên tiếp. “Nhiều doanh nghiệp trong danh mục theo dõi của chúng tôi công bố kết quả kinh doanh quý III không đạt kỳ vọng. Cụ thể, có tới 46% số doanh nghiệp ghi nhận kết quả thấp hơn dự kiến trong khi chỉ có 13% doanh nghiệp vượt kỳ vọng”, các chuyên gia của VNDIRECT lưu ý.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp là chi phí lãi vay đã kéo dài xu hướng đến quý III khi tiếp tục tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước lên 6,8%. Do đó, tổng lợi nhuận hoạt động vẫn bị chi phí tài chính ăn mòn mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất chính sách nhiều lần kể từ tháng 3 và lãi suất huy động đã trở lại mức trước COVID-19.
Thực tế, động lực tăng trưởng chính của thị trường đến từ sự trở lại của các nhóm ngành dầu khí (+828% so với cùng kỳ) và tài nguyên cơ bản (+166%) phục hồi mạnh khi biên lợi nhuận cải thiện đáng kể.
Các doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý là Lọc hóa dầu Bình Sơn (+611%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (+284% bao gồm khoản lãi đột biến từ thoái vốn tại PG Bank), bên cạnh Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí lấy lại mức lợi nhuận dương sau khi ghi nhận lỗ trong năm ngoái. Ngành dịch vụ tài chính (+138% so với cùng kỳ) có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, sau khi lợi nhuận tạo đáy vào quý IV/2022.
Về triển vọng quý IV, theo dự báo của Công ty Chứng khoán VDSC, lợi nhuận dự phóng của các cổ phiếu đại diện thuộc ngành bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng có mức tăng trưởng trên 30% trong khi ngành nguyên vật liệu cơ bản có lãi trở lại so với mức lỗ trong quý IV/2022.
Thận trọng trở lại quỹ đạo tăng trưởng
“Tôi và các đối tác đang hy vọng lúc này đã là điểm đáy để mọi thứ tốt lên vào năm sau. Mong là sẽ có một chu kỳ mới vào năm 2024 khi thị trường nhà đất ấm lại”, ông Đinh Hồng Kỳ của HUBA nhận định.
Cũng với tinh thần lạc quan này, năm 2024, các chuyên gia VDSC dự báo tổng lợi nhuận doanh nghiệp tăng 17% so với mức giảm 3% của năm 2023 và tăng trưởng sẽ đến từ nhiều nhóm ngành hơn. Lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng cải thiện mạnh trong năm 2024 tại nhiều nhóm ngành như bán lẻ, thép, phân bón, thủy sản.
Dự báo triển vọng năm 2024, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, cho rằng xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2024 khi lực cầu trở lại, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Sau tình trạng quá mua trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng quay sang đi du lịch, đến nhà hàng. Nhưng tình thế này sẽ xoay chiều trong năm sau khi cơ cấu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu thay đổi. Đó là dịch vụ có thể giảm tốc, còn sản xuất tăng trở lại. “Người tiêu dùng có thể quay lại mua sắm vì đã không mua 1-1,5 năm qua”, ông nói.
Ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận EPS sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 20% trong năm 2024, phần lớn do đợt suy giảm của nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm nay rõ ràng đã kết thúc. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng GDP phục hồi từ mức 3,3% so với cùng kỳ trong quý I, lên 4,1% trong quý II và 5,3% trong quý III.
“Yếu tố chính đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu sang Mỹ chậm lại, nhưng dữ liệu trong tháng 10 đã xác nhận những khẳng định gần đây của chúng tôi rằng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đang khởi sắc, củng cố kỳ vọng rằng tăng trưởng GDP sẽ phục hồi trở lại đến mức 6,5% vào năm tới”, ông Michael Kokalari nhận định.
Tuy nhiên, các tổ chức và doanh nghiệp cũng thận trọng cho rằng, khó khăn vẫn bao trùm khi suy giảm kinh tế chưa chấm dứt, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ các quốc gia xuất khẩu tiếp tục là những yếu tố bất lợi với các ngành hàng xuất khẩu trong nước. Cũng theo đại diện của HSBC, xuất khẩu vẫn tiềm ẩn rủi ro vì Việt Nam có độ mở kinh tế cao nên phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Trường hợp các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hồi phục kém hơn các dự báo đưa ra thời điểm này, họ sẽ giảm nhập khẩu. Vì vậy, nếu nhu cầu thế giới yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến trụ cột tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Chẳng hạn, khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may khiến xuất khẩu các mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm nay mới đạt 29,1 tỉ USD, còn cách rất xa kế hoạch xuất khẩu 45-48 tỉ USD trong năm 2023 được đưa ra hồi đầu năm. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5-7%. Doanh nghiệp ngành dệt may hy vọng năm 2024 sáng sủa hơn vì nhu cầu mua sắm của người dân sẽ quay trở lại và đón nhận cơ hội mới cho ngành như sự dịch chuyển nguồn sợi từ Trung Quốc, đầu tư FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ sợi trong nước, các điểm sáng tăng trưởng cao của khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật, Canada, Úc, New Zealand...
Tương tự, tính chung 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 10,8 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho rằng để gia tăng đơn hàng, doanh nghiệp trong thời gian tới phải tập trung vào tiêu chí giá tốt, phù hợp với thị hiếu, sản phẩm đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. Doanh nghiệp đang rất tích cực tìm kiếm khách hàng thông qua việc chuyển nguyên liệu truyền thống sang nguyên liệu thân thiện với môi trường để tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn và đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng hiện nay.
“Hiện tại, Sadaco đã có đơn hàng cho quý I/2024. Thế nhưng, các đơn hàng đã hoàn toàn khác so với thời gian trước khi yêu cầu về giá cả thấp hơn, quy mô đơn hàng nhỏ hơn...”, ông Mạnh nói.