Năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn. Điều này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh rượu, bia rơi vào cảnh lao đao, phải chật vật tìm cách tồn tại.
Ông Lê Đức Lộc, giám đốc Công ty K.T (TP.HCM), cho biết dù chỉ tăng giá bán 10% lên 149.000 - 198.000 đồng/chai rượu nhưng từ đầu năm đến nay sức mua đối với rượu K.T giảm mạnh. "Sức mua từ đầu năm đến nay giảm bình quân khoảng 40% so với thời điểm ổn định", ông Lộc thông tin.
Trong khi đó, Báo cáo tài chính bán niên 2023 Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) cũng ghi nhận mức doanh thu 6 tháng đầu năm giảm, chỉ đạt mức 964 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết doanh thu xấp xỉ giá vốn, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của Sabibeco âm hơn 50 tỷ đồng. Sau trừ chi phí, Sabibeco lỗ sau thuế gần 52 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 38 tỷ đồng.
Thị trường đồ uống có cồn miền Bắc cũng không có dấu hiệu khả quan hơn khi Báo cáo tài chính quý III của Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco,
BHN) cũng cho thấy, lãi 9 tháng đầu năm chỉ đạt 291 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần kỳ này Habeco đạt 5.510 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Kết quả kém tích cực của hãng bia Hà Nội chủ yếu do biên lãi gộp giảm.
Xu hướng tiêu thụ rượu bia giảm là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu và thị phần của các doanh nghiệp đồ uống có cồn bị sụt giảm.
Chia sẻ về lý do của sự sụt giảm doanh số ngành rượu, bia, lãnh đạo Habeco cho biết nguyên nhân chủ yếu do tăng giá nguyên vật liệu. Nhà sản xuất bia nội địa lớn thứ hai thị trường cùng nhận xét, cạnh tranh rất "gắt" trong khi xu hướng tiêu dùng trong dân giảm.
Bên cạnh đó, xu hướng hạn chế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng, các quy định thắt chặt quản lý của nhà nước và đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế, việc làm được cho là những nguyên nhân chính khiến sức tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngày càng đi xuống.
Giữa cảnh lao đao, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bia rượu đã phải tìm đủ mọi cách để thu hút người tiêu dùng như: sản xuất bia không cồn, giảm giá bán, tăng khuyến mãi...
Ông Lê Đức Lộc chia sẻ công ty ông đã cố gắng kìm giá bán và tặng khuyến mãi như "mua 10 tặng 1"... nhưng nhiều hàng quán cho biết lượng khách giảm 40 - 50% so với mọi năm nên hạn chế nhập rượu.
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia lĩnh vực F&B nhận định: "Không chỉ ngành rượu bia, đồ uống có cồn, tổng quan chung ngành F&B năm nay đều có sự sụt giảm về sức mua. Nhưng phải nhấn mạnh rằng rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu tương lai.” Việc chi tiêu cho các đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ giảm dần. Chính sách pháp luật của chúng ta cũng hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn".
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp rượu, bia được cho là cần phải có sự chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Một số hãng nhanh nhạy đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail (một thức uống hỗn hợp có cồn kết hợp với các thành phần khác như nước ép trái cây, siro…), bia ít cồn hương vị trái cây. Đơn cử như Heineken với sản phẩm bia 0.0% độ cồn hay thương hiệu Chill (Công ty Cổ phần Goody Group) với đa dạng các dòng cocktail hoa quả đóng chai với độ cồn trong khoảng 4.5%...