Việc được bổ sung gần 2.600 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và ESOP giúp tình trạng tài chính của Tập đoàn C.E.O càng trở nên an toàn hơn, tiền mặt dồi dào và nợ vay thấp. Doanh nghiệp cũng có danh mục nhiều dự án đang triển khai thực hiện.
Phối cảnh dự án Sonasea Residences, nguồn: C.E.O Group
Gia đình Chủ tịch góp 700 tỷ đồng
Trong quý III, Tập đoàn C.E.O (mã: CEO) đã đồng thời triển khai thành công phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho cán bộ công nhân viên (ESOP).
Cụ thể, tập đoàn chào bán hơn 5,1 triệu cổ phiếu ESOP cho 96 người lao động, giá 10.000 đồng/cp. Qua đó, doanh nghiệp thu về 51,5 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Đồng thời, doanh nghiệp phát hành 252,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 100:98 giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. Kết quả, có 34.194 cổ đông đã mua với khối lượng 242,7 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 96,22%. Hơn 9,5 triệu cổ phiếu còn lại phân phối cho 5 nhà đầu tư, riêng ông Trần Kim Khôi mua 7,4 triệu cổ phiếu.
Như vậy, thông qua 2 đợt phát hành, C.E.O Group tăng vốn điều lệ gấp đôi từ 2.573 tỷ đồng lên 5.146 tỷ đồng. Giá trị thu ròng đạt 2.572,5 tỷ đồng, phục vụ mục tiêu đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng vốn lưu động cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Toàn bộ 275,3 triệu cổ phiếu phát hành mới đã được niêm yết bổ sung trên HNX. Trong đó, 242,7 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông chính thức giao dịch từ 16/11; phần còn lại giao dịch sau 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Còn 5,1 triệu cổ phiếu ESOP giao dịch từ 12/8/2024 và 9,5 triệu cổ phiếu phân phối lại giao dịch từ 26/9/2024.
Trước khi phát hành, ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT là cổ đông lớn nhất sở hữu 70,5 triệu cổ phiếu, tương đương 27,4% vốn. Sau phát hành, ông Bình sở hữu 97,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ giảm xuống 18,9%. Nguyên nhân là do Chủ tịch HĐQT đã chuyển nhượng hơn 43,3 triệu quyền mua tương đương được mua 42,5 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thuận.
Theo đó, tổ chức này trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại tập đoàn sau ông Bình khi sở hữu 42,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8,26% vốn. Doanh nghiệp này mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2023 do bà Đỗ Phương Anh làm chủ sở hữu và đại diện theo pháp luật. Bà Phương Anh là vợ ông Đoàn Văn Bình, đồng thời cũng đang đảm nhận chức vụ Phó Tổng Giám đốc của C.E.O Group. Ngoài ra, bà Phương Anh cũng mua hơn 1 triệu cổ phiếu CEO theo quyền được phân bổ. Các lãnh đạo khác của C.E.O Group sở hữu cổ phiếu không đáng kể, chưa đến 100.000 đơn vị mỗi người.
Như vậy, trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, gia đình ông Đoàn Văn Bình và tổ chức liên quan đã chi tổng cộng 700 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu 27,6% vốn tập đoàn.
Tại ngày chốt quyền triển khai chào bán (18/7), cổ phiếu CEO bị điều chỉnh giá từ 20.400 đồng/cp về 15.300 đồng/cp. Sau đó mã chứng khoán này đã bật tăng mạnh lên 27.500 đồng/cp vào đầu tháng 9. Trong giai đoạn thị trường chung đi xuống thì CEO cũng giảm giá về vùng 18.000 đồng nhưng hiện nay đã vượt vùng giá trước phát hành lên 23.400 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu CEO trong 1 năm qua, nguồn: TradingView
Nguồn tiền dồi dào, nợ vay thấp
Nhờ vừa tăng vốn, tổng tài sản tập đoàn tại 30/9 tăng lên 9.536 tỷ đồng, riêng nguồn tiền đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản. Các khoản mục như phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, tài sản cố định không có nhiều biến đổi so với đầu năm. Đồng thời, cơ cấu vốn trở nên an toàn hơn, vốn chủ sở hữu gấp đôi nợ phải trả, nợ vay hơn 600 tỷ đồng (giảm 550 tỷ so với đầu năm). Người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng mạnh từ 430 tỷ đồng đầu năm lên 1.260 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng, mảng bất động sản ghi nhận sụt giảm do thị trường khó khăn, mảng dịch vụ ổn định. Cụ thể, doanh thu 9 tháng đạt 942 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước. Trong đó, mảng dịch vụ mang về 302 tỷ đồng, giảm 6%; mảng bất động sản đạt 637 tỷ đồng, giảm 15%. Lãi sau thuế giảm 20% xuống 89 tỷ nhưng phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 19% lên 107 tỷ đồng.
Tập đoàn C.E.O được thành lập vào 2007, đăng ký kinh doanh và trụ sở chính tại Hà Nội. Tập đoàn hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm bất động sản, xây dựng và dịch vụ.
Ở mảng bất động sản, tập đoàn có loạt dự án ở Hà Nội như Tháp CEO (văn phòng cho thuê – hoàn thành 2009), Bamboo Garden (nhà ở xã hội – hoàn thành 2015), khu đô thị CEO Homes Sunny Garden City (biệt thự, nhà liền kề, shophouse)…; ở Phú Quốc, Kiên Giang như khu đô thị Sonasea Residences, CEO Homes Kiên Giang City, bất động sản nghỉ dưỡng Sonasea Villas & Resort, Novotel Phú Quốc Resort; ở các nơi khác như Sonasea Vân Đồn Harbor City, Sonasea Premier Nha Trang…
Lĩnh vực dịch vụ của công ty là vận hành khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Novotel Phú Quốc Resort – vận hành từ 2016, Novotel Villas – 2017, Sonasea Shopping Center và Best Western Premier Sonasea Phú Quốc – 2019), xuất khẩu lao động du lịch và y tế, chăm sóc sức khỏe.
Trong năm 2023, doanh nghiệp cho biết tập trung vào dự án trọng điểm là Sonasea Vân Đồn harbor City tại Quảng Ninh, CEOHomes Hana Garden tại Hà Nội và Sonasea Residences tại Phú Quốc (nguồn tiền huy động từ chào bán cho cổ đông hiện hữu chủ yếu phục vụ dự án). Cùng với đó, ban lãnh đạo đặt mục tiêu đưa khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City vào hoạt động từ cuối năm.
Ngoài ra, C.E.O Group cũng muốn lấn sân mảng bất động sản công nghiệp, mục tiêu có thể hoàn thành thủ tục pháp lý trở thành chủ đầu tư của ít nhất 1 dự án năm nay.
Ngân Hà