• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.259,63 +17,10/+1,38%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.259,63   +17,10/+1,38%  |   HNX-INDEX   222,67   +2,00/+0,90%  |   UPCOM-INDEX   93,88   +0,80/+0,86%  |   VN30   1.332,54   +22,82/+1,74%  |   HNX30   464,29   +5,28/+1,15%
24 Tháng Giêng 2025 3:56:49 SA - Mở cửa
Nỗi lo nơi mỏ titan
Nguồn tin: Báo Thanh tra | 28/11/2023 5:15:00 CH
Những tác động tiêu cực từ việc khai thác titan đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở gần các khu vực khai thác, mà mới đây nhất, một phụ nữ trượt chân xuống hố khai thác titan tử vong đã dấy lên nhiều nỗi lo của người dân ở các xã Sen Thủy, Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
 
 
Khu vực khai thác titan tại xã Sen Thủy và Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Minh Tân
 
Hoang hóa ruộng đồng
 
Nơi góc xóm nhỏ thuộc thôn Nồm Bớc, Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, những người phụ nữ trong thôn ngồi ngóng ra cánh đồng trước hiên nhà, vài năm trước nơi đây là cánh đồng cung cấp lúa, gạo cho những hộ dân trong thôn, giờ đây chỉ có cỏ dại mọc um tùm.
 
Đây cũng là đồng ruộng hiếm hoi nằm phía dưới những chân đồi cát khô cằn này. Bà Lê Thị M. thôn Nồm Bớc cho biết, với 3 sào ruộng mỗi năm cung cấp toàn bộ lúa, gạo cho cả gia đình cũng như chăn thêm gia súc, gia cầm. Dù là ruộng nẫy nhưng với việc canh tác bao đời nay, người dân ở thôn đã chăm chỉ, chịu khó để có hạt gạo vào khi mưa bão, giáp hạt. Thế nhưng, từ khi phía trên đồi cát cách không xa cánh đồng được khai thác titan thì nơi đây trở thành “cánh đồng chết”.
 
 
 Cánh đồng thôn Nồm Bớc gần khu vực khai thác titan đành bỏ hoang vì cây lúa không thể phát triển. Ảnh: Minh Tân
 
Theo những người dân ở quanh cánh đồng này, tình trạng bỏ hoang cánh đồng 4-5 năm nay. Thời điểm khoảng 2 năm sau khi triển khai khai thác titan thì vụ mùa cứ mất dần. Lúa dù phát triển bình thường nhưng khi trổ bông thì cứ rụi đi, rồi ngậm sữa thì không có gì bên trong, hạt lúa bị đen. Gặt về cho gà, vịt chúng cũng chê vì không có một hạt thóc nào. Một số người cố bám víu nhưng được 1-2 vụ đành bỏ hoang dù không tìm ra bệnh gì trên cây lúa.
 
“Cánh đồng đó người dân thôn Nồm Bớc làm lúa bao nhiêu đời nay, nhưng titan họ làm được một thời gian thì ruộng của gia đình làm được 2-3 năm nữa đành bỏ hoang. Cây lúa ngày càng xấu và không cho hạt nữa. Đời ông, đời bà tụi tôi chưa bỏ ruộng mà chừ tụi tôi đành bỏ ruộng. Không biết nước từ khai thác titan chảy về đồng ruộng có chất gì không nữa”, bà M. bất an.
 
Thế nên, cả cánh đồng của thôn Nồm Bớc để cho cỏ dại mọc đầy, những khoảnh ruộng trở thành nơi người dân tận dụng lấy cỏ để nuôi trâu bò, cá nước ngọt.
 
 
 Việc khai thác titan gần khu dân cư của xã Ngư Thủy khiến nhiều người dân lo ngại về tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, sạt lở và cát bay. Ảnh: Minh Tân
 
Còn những người dân ở một số thôn của xã Ngư Thủy cũng bất an khi nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng, nạn cát bay và cả tình trạng sạt lở đến khu vực lăng mộ của người dân gần với khu vực khai thác titan. Từ khu dân cư, chỉ cần đi bộ chúng tôi đã tiếp cận những hố khai thác sâu hun hút. Nơi đây, có khu vực được cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều điểm không một biển báo, rào chắn.
 
Nguy hiểm hơn, một hố khai thác dù đã đưa toàn bộ moong khai thác, bè vít nhưng vẫn chưa được hoàn thổ. Và trên đồi cát, lũ trẻ vẫn thường lên nô đùa, chỉ một phút lơ là sẩy chân thì những cái hố khai thác trở nên “cái bẫy” chết người.
 
 "Bẫy" chết người từ những hố khai thác
 
Cạnh đó, một số khu vực khai thác đã được hoàn thổ và trồng cây dương. Tuy nhiên, khá nhiều cây dương đã bị chết khô hoặc phát triển kém. “Mới đây, hơn 1 tháng trước, một phụ nữ đi nhặt ve chai thì sẩy chân xuống hố khai thác titan. Đến khi người nhà không thấy về thì tá hỏa đi tìm. Khi đến hố khai thác titan thì thấy cánh tay còn trồi lên thôi. Đưa lên thì chị đó đã mất rồi”, một phụ nữ đi nhặt ve chai ở thôn Nồm Bớc kể.
 
Đối với vụ việc này, ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết, nạn nhân trong vụ tử vong dưới hố khai thác titan là bà N.T.T (SN 1967), trú tại xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Địa điểm xảy ra vụ việc thuộc khu vực khai thác titan của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Long.
 
“Sự việc xảy ra vào ngày 18/10/2023, nạn nhân đã đi bộ băng giữa đồi cát rồi vào các hố khai thác titan để nhặt ve chai. Tuy nhiên, khi xuống hố thì nạn nhân bị sụt lún và bị cát vùi lấp. Chỉ đến khi gia đình tổ chức tìm kiếm thì mới phát hiện thi thể nạn nhân phía bên dưới. Do gia đình họ không có ý kiến gì và phía công ty có đền bù hỗ trợ cũng như cơ quan công an làm nên xã không có báo cáo riêng về vụ việc này”, ông Bắc cho hay.
 
Được biết, trên địa bàn xã Sen Thủy và xã Ngư Thủy Nam hiện có 3 công ty đang khai thác quặng titan gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Long, Công ty TNHH Kim Tín và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình. Cả ba công ty này đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác titan trên diện tích gần 400ha. 
 
Đồng thời, ông Lê Văn Bắc cho biết hiện trên địa bàn xã có 2 đơn vị khai thác khoáng sản titan đang tổ chức khai thác và hoàn trả mặt bằng sau khai thác, gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Long và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình. Hiện, việc hoàn thổ được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, khai thác tới đâu hoàn thổ đến đó và trồng cây phục hồi môi trường.
 
 
 Nhiều diện tích rừng trồng phục hồi môi trường tại các dự án tian đang chết khô hoặc chậm phát triển. Ảnh: Minh Tân
 
Tuy nhiên, vụ chết người vào ngày 18/10 vừa qua không phải là vụ chết người đầu tiên xảy ra liên quan đến việc khai thác titan trên địa bàn. Tính sơ bộ khoảng 4 nạn nhân, còn chưa kể một số trường hợp tai nạn lao động. Như năm 2019, một vụ tai nạn lao động khi cát từ trên hố trượt lở xuống, hậu quả 1 công nhân tử vong, 3 công nhân khác bị thương.
 
Trước tình trạng trên, UBND xã Sen Thủy vừa có văn bản lần nữa đề nghị các đơn vị khai thác khoáng sản titan đang tổ chức khai thác và hoàn trả mặt bằng sau khai thác đảm bảo phương án đã được phê duyệt, phải cắm mốc khu vực khai thác, có biển báo cảnh báo khu vực khai thác nguy hiểm để hạn chế người và gia súc vào khu vực khai thác. Trong quá trình khai thác phải đảm bảo an toàn lao động, tránh gây thiệt hại về người và tài sản trong quá trình khai thác.