Trung Á đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc cách mạng năng lượng, với kế hoạch bổ sung thêm 8.900 MW công suất thủy điện trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2035. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước đang là một thách thức.
Công suất thủy điện ở Trung Á sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới. Tại Đại hội Thủy điện Thế giới ở Bali, ông Nikolai Podguzov - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phát triển Á - Âu (EADB), đã công bố kế hoạch bổ sung thêm 8.900 MW công suất thủy điện trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2035. Ngoài ra, công tác mở rộng sẽ diễn ra tại một khu vực đang chuẩn bị cho đợt thiếu nước kéo dài. Dự kiến tình trạng sẽ diễn ra từ năm 2028 đến năm 2029, với ước tính thâm hụt hàng năm từ 5 đến 12 km³.
Chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng thiếu nước
Thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong khu vực, không chỉ làm nguồn điện mà còn giúp điều hòa dòng chảy sông, phục vụ cho công việc tưới tiêu. Do đó, theo ông Podguzov, Trung Á cam kết tìm cách thu hút đầu tư cho những dự án sử dụng đa mục đích tài nguyên nước, cụ thể là phát triển nhà máy thủy điện và hệ thống thủy lợi.
Vai trò quan trọng của thủy điện
Ông Podguzov cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện nhiều nỗ lực đáng kể nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vào hiện đại hóa các nhà máy thủy điện hiện có và xây dựng những nhà máy mới, cũng như phát triển hệ thống thủy lợi trong khu vực”. Theo ông, việc này mang lại lợi ích kép: Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; bảo đảm ổn định kinh tế và xã hội.
Đầu tư và hiện đại hóa các nhà máy thủy điện
Theo ông Podguzov, Trung Á là một trong số ít khu vực trên thế giới có tiềm năng thủy điện chưa phát triển, với mức khai thác hiện chưa đến 25%. Tuy nhiên, khu vực đã có hơn 80 nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt là 14.000 MW. Từ đó, Trung Á sẽ bổ sung thêm 8.900 MW công suất, “thông qua hiện đại hóa và xây dựng mới”.
Các dự án trọng điểm tại Cộng hòa Kyrgyzstan và Tajikistan
Một số dự án đáng chú ý gồm có nhà máy thủy điện Kambaratinskaya 1.860 MW ở Cộng hòa Kyrgyzstan và dự án Rogunskaya 3.600 MW ở Tajikistan. EADB, với tư cách là ngân hàng phát triển tại khu vực, có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào tổ hợp năng lượng và nước của Trung Á trong 3 năm tới. Trong năm nay, EADB đã bắt đầu tài trợ cho nhà máy thủy điện Kulanak 100 MW ở Cộng hòa Kyrgyzstan. Tổ chức cũng đang tích cực tham gia đàm phán về việc tài trợ cho những dự án quan trọng khác, bao gồm dự án xây dựng nhà máy thủy điện Kambaratinskaya và Rogunskaya.
Chủ tịch Hội đồng quản trị EABD chia sẻ: “Là đối tác tài chính của các dự án này, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ công cụ để có thể tiến hành đầu tư phát triển tổ hợp năng lượng và nước. Điều này bao gồm cho vay dài hạn và phát hành trái phiếu xanh, thu hút vốn từ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân khác nhau, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho dự án”. Thật vậy, ông khuyến khích giới đầu tư cùng tham gia hợp tác chuẩn bị, cấp vốn và thực hiện các dự án tập trung vào việc xây dựng và hiện đại hóa các nhà máy thủy điện tại những nước thành viên của EADB.
Nhìn chung, sáng kiến của Trung Á nhằm phát triển tiềm năng thủy điện trong bối cảnh khủng hoảng thiếu nước và thách thức khí hậu đã mở ra những con đường mới cho đầu tư bền vững. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ngành năng lượng và nông nghiệp của khu vực, nêu bật tầm quan trọng của đổi mới và hợp tác quốc tế.