Chanh leo Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội trở thành ngành hàng tỷ đô nhưng cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn.
Diện tích trồng chanh leo ở Gia Lai tăng quá nhanh khiến cho sản lượng bị dư thừa, dẫn đến giá giảm sâu, người dân tính chuyện chuyển đổi sang cây trồng khác.
Giá rớt thảm, nhiều hộ dân bỏ mặc vườn cây
Vào thời điểm đầu năm 2023, giá chanh múc (chanh chiết dịch) ở tỉnh Gia Lai tăng cao kỷ lục khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg. Giá chanh leo tăng cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng nên nhiều hộ dân đã đua nhau mở rộng diện tích.
Từ đó, cơn sốt trồng chanh leo diễn ra khắp nơi, những vườn cà phê già cỗi đã được thay thế để trồng chanh leo. Việc trồng ồ ạt đã dẫn đến hệ lụy khiến giá chanh leo sau đó lao dốc, người dân điêu đứng do đầu ra không đảm bảo. Khoảng 4 tháng trở lại đây, giá chanh leo múc ở Gia Lai giảm sâu, thậm chí có lúc chỉ khoảng 3.000 đồng/kg. Hiện tại giá chanh múc đang ở mức 5.000 đồng/kg.
Chanh leo rớt giá, người dân lại tính đến chuyện chuyển đổi sang trồng cây khác. Ghi nhận tại các địa phương có diện tích trồng chanh leo lớn ở Gia Lai như huyện Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang..., rất nhiều vườn chanh leo không chăm sóc nên chất lượng giảm sút nghiêm trọng.
Dọc các tuyến đường từ xã Ia Nhin đến Ia Ka và Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), nhiều vườn chanh leo không được chăm sóc, lá úa vàng, quả dần teo tóp. Theo tìm hiểu được biết, việc giá chanh leo giảm sâu, cùng với giá vật tư phân bón tăng cao khiến nhiều hộ dân không mặn mà đầu tư chăm sóc.
Hiện chanh múc được các thương lái thu mua với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Phạm Thanh Sơn (làng Bui, xã Ia Ka) cho biết, gia đình ông có 4 người con đang trồng chanh leo. Người trồng nhiều khoảng hơn 1ha, ít khoảng 5 sào (sào 1.000m2). Trước đây giá chanh leo tăng cao, các con ông quyết định phá bỏ cà phê già cỗi để chuyển hướng trồng chanh leo. Thời điểm đó, thu nhập rất ổn định và đều quanh năm, thậm chí kiếm hàng tỷ đồng từ cây chanh leo.
“Hiện nay, các vườn chanh đã già nên bị phá bỏ, con gái tôi đã chuyển chanh leo sang trồng lại cà phê, các con trai tôi cũng đang phân vân nên trồng chanh leo tiếp hay chuyển sang cây trồng khác”, ông Sơn chia sẻ.
Cũng bởi giá xuống thấp, những con đường bê tông chạy vào khu sản xuất chanh leo của người dân tại xã Ia Mơ Nông thêm phần ảm đạm.
Gia đình anh Phạm Văn Trường (làng Mơn, xã Ia Mơ Nông) có hơn 1ha trồng cà phê già cỗi, sau đó được chặt bỏ để trồng chanh leo. Giờ chanh leo rớt giá thê thảm, anh Trường cũng chẳng buồn chăm sóc, để quả rụng đầy vườn. Những quả còn sót lại trên cây cũng hết sức sống. Phía dưới vườn chanh leo cỏ mọc kín lối đi.
Anh Trường cho biết, sau khi phá bỏ vườn cà phê già cỗi, trong thời gian cải tạo đất, gia đình anh đã chuyển sang trồng chanh leo với mong muốn nâng cao thu nhập. Nhưng chưa kịp thu hoạch thì giá chanh leo rớt thê thảm, gia đình anh xem như mất trắng.
Những vườn chanh héo khô, phía dưới được người dân trồng ngô. Ảnh: Tuấn Anh.
“Đầu tư gần 200 triệu đồng nhưng gia đình tôi thu lại chỉ được vài triệu đồng, chắc lại phải phá bỏ vườn chanh leo để trồng lại cà phê thôi. Dù sao cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, thị trường ổn định và giá lại đang tăng cao”, anh Trường chia sẻ.
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng trồng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng gần 9 nghìn ha, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với khoảng hơn 4.680ha, năng suất bình quân gần 42,6 tấn/ha. Tính đến thời điểm hiện tại, chanh leo ở Gia Lai đã được cấp 32 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 877ha và 5 mã số cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu, tổng công suất khoảng 230 - 255 tấn quả/ngày.
Ồ ạt trồng dẫn đến cung vượt cầu
Tương tự, tại huyện Ia Grai, dọc tuyến đường liên huyện từ xã Ia Yok đến xã Ia Bă và Ia Hrung, rất nhiều hộ dân cũng gần như bỏ mặc vườn chanh leo. Tại đây, những vườn chanh leo đang héo quắt lại từng ngày. Quả chanh không được chăm sóc nên không còn căng mọng. Thêm vào đó, những ngày qua, trên địa bàn thường xuyên xuất hiện những cơn mưa nên quả chanh bị nấm và côn trùng tấn công.
Ghi nhận của phóng viên, rất nhiều vườn chanh gần như bỏ hoang. Thỉnh thoảng, có vườn xuất hiện bóng người nhưng lại không phải chăm sóc chanh dây mà đang cải tạo đất để tính chuyện trồng cây khác.
Gia đình ông Đặng Văn Thỏa (xã Ia Bă) đang cày đất ở vườn chanh leo để chuẩn bị trồng xen cây đậu. Ảnh: Tuấn Anh.
Có hơn 8 sào trồng chanh leo, gia đình ông Đặng Văn Thỏa (xã Ia Bă) thu hoạch đợt quả đầu tiên cho năng suất khoảng 1 tấn. Sau đó, chanh dây gặp phải những cơn mưa kéo dài khiến chất lượng ngày càng đi xuống. Cộng với việc chanh leo xuống giá thê thảm khiến gia đình ông không mặn mà đầu tư chăm sóc.
“Trước đó, gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để trồng chanh leo, giờ xem như thua lỗ, thu hoạch sau này được chừng nào hay chừng đó rồi cũng tính chuyện trồng cây khác. Trong khoảng thời gian chờ đợi thu hoạch chanh tiếp theo, gia đình tôi sẽ tận dụng trồng thêm cây ngắn ngày như đậu nành để kiếm nguồn thu nhanh nhất”, ông Thỏa chia sẻ.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, câu chuyện chanh leo rới giá đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước nhưng nhiều người dân trong vùng vẫn đổ xô trồng.
Có giai đoạn khoảng từ tháng 4 - 5/2023, người dân ồ ạt trồng dẫn đến sản lượng chanh leo bị dư thừa. Mặt khác, chanh leo từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đưa về Gia Lai tiêu thụ với số lượng quá lớn, dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá chanh leo lao dốc không phanh.
Chanh leo rớt giá, người dân ồ ạt phá bỏ, bởi nếu tiếp tục chăm sóc thì lo sợ không thu hồi được vốn đầu tư. “Khi chanh leo bị phá bỏ nhiều thì nguồn hàng cung cấp ra thị trường sẽ giảm mạnh, giá chanh leo có thể sẽ tăng trở lại ngay trong thời gian tới. Vì thế những người dân kiên trì chăm sóc, có khả năng sẽ gặt hái được thành công về sau”, ông Thanh dự đoán.
Theo số liệu phân tích của các nhà máy cung cấp giống chanh leo, diện tích chanh leo đang cho thu hoạch ở các tỉnh Tây Nguyên hiện khoảng 18.600ha (1ha/650 cây). Theo đó, 1ha cho thu hoạch khoảng hơn 30 tấn/năm (tương đương tổng sản lượng ước khoảng 558.000 tấn/năm, tức trung bình 1.550 tấn/ngày). Trong khi đó, tổng nhu cầu thị trường về nguyên liệu quả chanh leo phục vụ cho chế biến đưa về các nhà máy chỉ khoảng 1.100 tấn/ngày. Nhìn vào số liệu để thấy rằng, nhu cầu tiêu thụ chanh leo tại các nhà máy thấp hơn nhiều so với so với lượng chanh leo cung cấp ra thị trường.
Những vườn chanh bị "lãng quên" ở huyện Chư Păh. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, đối với chanh leo loại 1 đạt yêu cầu xuất khẩu sang châu Âu hiện vẫn có giá hơn 20.000 đồng/kg. Tuy nhiêu, chanh múc đang rớt giá thê thảm. Nguyên nhân do thời gian qua thời tiết bất lợi, mưa kéo dài trong nhiều tháng khiến chanh leo kém chất lượng, chiết dịch không đạt nên các doanh nghiệp thu mua với giá thấp.
Theo ông Sơn, chanh leo trên địa bàn chủ yếu được trồng xen, chứ không hoàn toàn chạy theo lợi nhuận mà phá bỏ cà phê, cao su hay các cây trồng khác. Trước đây, Phòng NN-PTNT huyện cũng đã khuyến cáo người dân không nên phá bỏ vườn cây cà phê để trồng chanh leo. Sau đó, người dân cũng ý thức được điều này nên đã chuyển hướng trồng thâm canh, tận dụng trồng chanh leo để nâng cao thu nhập.
“Khoảng thời gian cuối năm giá chanh leo có thể sẽ tăng nên nhiều hộ dân đang rục rịch trồng trở lại. Để tránh thất bại, chúng tôi khuyến cáo người dân hãy tham gia vào chuỗi liên kết cùng HTX và doanh nghiệp để việc tiêu thụ, giá cả ổn định. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hướng sản xuất theo chất lượng thay vì trồng đại trà”, ông Sơn cho biết.