• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:16:34 CH - Mở cửa
Phát triển đô thị tỉnh Hà Giang – Những cơ hội và thách thức
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 06/11/2023 8:35:00 CH
Với đặc thù của các đô thị miền núi phía Bắc, có quỹ đất phát triển đô thị hạn chế, dân cư sống không tập trung… đang đặt ra cho Hà Giang nhiều thách thức. Tuy nhiên, Hà Giang lại có những đặc trưng nổi trội, khác biệt về cảnh quan, đa dạng về dân tộc, văn hóa, kiến trúc làm thế mạnh mà không phải địa danh nào cũng có được. Đó cũng là tiềm năng, sức mạnh nội sinh để đưa Hà Giang “cất cánh”.
 
 
Thực trạng phát triển đô thị tỉnh Hà Giang
 
Hà Giang có vị trí địa chính đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và củng cố khối đoàn kết dân tộc, là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc và Tây Bác; có vị trí đại kinh tế là cửa ngõ giao thương quốc tế, cầu nối giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam và hành lang biển Đông, giữa các nước Asean với các nước Đông Bắc Á, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông – Tây Bắc Việt Nam.
 
Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 01 thành phố và 10 huyện với 193 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường, 13 thị trấn và 175 xã. Việc phát triển đô thị cũng có nhiều chuyển biến; Trên địa bàn tỉnh có 15 đô thị (gồm 01 đô thị loại III; 01 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hoá đạt 17,43%.
 
Trong những năm qua, việc phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đã có nhiều bước tiến bộ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các đô thị là trung tâm động lực phát triển cho vùng huyện và tỉnh. Không gian, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng theo quy hoạch tương đối đồng bộ, kiến trúc cảnh quan được quan tâm đầu tư, du lịch cộng đồng đang khởi sắc. Đô thị có cảnh quan tự nhiên đẹp, có tiềm năng phát triển du lịch gắn với cảnh quan sinh thái.
 
Công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt được một số kết quả: Hà Giang đã và đang triển khai lập đồ án quy hoạch tỉnh; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07/04/2017 phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030. Hiện đang triển khai lập các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên… Các trung tâm hành chính, chính trị của 11/11 huyện, thành phố đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng. Các đồ án đã được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển. Các đồ án phân khu đô thị thành phố Hà Giang đang được triển khai thực hiện.
 
Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, tỉnh Hà Giang đã và đang từng bước lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu đối với quy hoạch, phát triển đô thị và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/7/2021 nhằm thực hiêện Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”.
 
8 thách thức đặt ra trong phát triển đô thị tỉnh Hà Giang
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đang đứng trước nhiều thách thức, cụ thể: Thứ nhất, tỉnh Hà Giang có địa hình không bằng phẳng, giao thông chỉ có đường bộ, nằm xa hệ thống cảng biển, sân bay, trục hành lang kinh tế đối ngoại của quốc gia. Giao thông đối nội chưa hoàn chỉnh, chất lượng không đồng đều, liên kết Đông-Tây còn hạn chế;
 
Thứ hai, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh còn thấp so với khu vực và so với trung bình toàn quốc. Các đô thị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, toàn tỉnh chỉ có 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV (thị trấn Việt Quang) còn lại là các đô thị loại V;
 
Thứ ba, nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển rất lớn, trong khi đó nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng còn ít, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế. Tiềm năng, nội lực còn nhiều, tuy nhiên thu ngân sách còn khá ít, nguồn lực đầu tư rất khó khăn. Việc được đầu tư nhỏ giọt, dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ.
 
Thứ tư, trong những năm qua, việc phát triển kinh tế đã thu hút nhiều người dân từ các nơi khác đến làm việc, sinh sống tại tỉnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng dân số còn khá thấp, chưa có nhiều động lực để thu hút khách du lịch và dân số cơ học.
 
Thứ năm, nhu cầu việc làm, xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc và một bộ phận nhân dân đang gặp nhiều khó khăn. Mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch lớn.
 
Thứ sáu, quy chế quản lý kiến trúc một số đô thị chưa được lập (có 06/15 đô thị chưa có quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch, hiện nay các đô thị đang triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc theo Luật Kiến trúc).
 
Thứ bảy, có 04/15 đô thị có Chương trình phát triển đô thị, gồm: Thị trấn Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc, thị trấn Yên Phú, thị trấn Yên Bình); các đô thị còn lại chưa xây dựng Chương trình phát triển đô thị, vì vậy còn gặp nhiều khó khăn khi xây dựng danh mục dự án, kêu gọi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị.
 
Thứ tám, việc triển khai phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
 
Định hướng phát triển đô thị tỉnh Hà Giang
 
Nhằm đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa toàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế hướng tới phát triển bền vững, ngày 23/12/2021 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Trong đó đã xác định một số định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh như sau: Đến năm 2030, tỉnh Hà Giang có 29 đô thị gồm 01 đô thị loại II (thành phố Hà Giang phấn đấu phát triển thành đô thị loại II trong giai đoạn 2022-2025); 01 đô thị loại III ; 03 đô thị loại IV và 24 đô thị loại V.
 
Nghị quyết cũng đã đề ra 04 nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện: Tập trung lập, rà soát, phê duyệt, phủ kín quy hoạch đô thị; Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; Nâng cao năng lực quản lý đô thị; Thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị.
 
Về mô hình phát triển đô thị, Dự thảo đồ án tỉnh đã xác định phát triển hệ thống đô thị quy mô vừa và nhỏ, phân tán, gắn với các tuyến giao thông quan trọng. Phát triển hạ tầng và bất động sản gắn với các giá trị sinh thái, cảnh quan. Phát huy các giá trị cảnh quan sinh thái nông nghiệp theo hướng gắn với các hoạt động du lịch, phục vụ du lịch. Khoanh vùng bảo tồn vùng sinh sống tập trung của các dân tộc hiện có. Lựa chọn và tạo ra các “Trung tâm văn hóa” của các sắc tộc chủ đạo. Ổn định dân cư biên giới. Sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực; phát triển một số chuỗi nông nghiệp đặc trưng.
 
Phát triển đô thị gắn với trục liên kết vùng
 
Phát triển đô thị theo các hành lang, trục liên kết chính
 
Trục động lực trung tâm (QL2, đường cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang. Kết nối các trung tâm tăng trưởng (vùng tỉnh): Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, thành phố Hà Giang (đô thị loại II), thị trấn Vị Xuyên (đô thị loại IV), thị trấn Việt Lâm (đô thị loại V), thị xã Bắc Quang (đô thị loại III).
 
Trục liên kết dọc theo hành lang biên giới (QL4C; QL4D). Kết nối các đô thị (trung tâm tăng trưởng vùng liên huyện, vùng huyện): Thị trấn Cốc Pài (đô thị loại IV), đô thị Xín Mần (cửa khẩu quốc gia), thị trấn Vinh Quang (đô thị loại IV), đô thị Thanh Thủy (cửa khẩu quốc tế), đô thị Minh Tân (loại V), thị trấn Tam Sơn (loại IV), đô thị Bạch Đích (loại V), thị trấn Yên Minh (loại IV), đô thị Phố Bảng (loại V), thị trấn Đồng Văn (loại IV), đô thị Pả Vi (loại V), thị trấn Mèo Vạc (loại IV).
 
Trục liên kết dọc theo hướng Bắc – Nam (QL280; QL2C; ĐT.184). Kết nối các đô thị (trung tâm tăng trưởng vùng huyện): thị trấn Mèo Vạc (loại IV), đô thị Mậu Duệ (loại V), đô thị Minh Ngọc (loại V), đô thị Linh Hồ (loại V).
 
Trục chính liên kết ngang theo hướng Đông – Tây (QL.279). Kết nối các đô thị (trung tâm tăng trưởng vùng tỉnh, vùng liên huyện): Thị xã Bắc Quang (loại III), đô thị Tân Bắc (loại V), thị trấn Yên Bình (loại IV).
 
 
Các hành lang phát triển chính (Nguồn dự thảo đồ án quy hoạch tỉnh).
 
Với Hà Giang, việc lựa chọn mô hình phát triển như trên là phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Định hướng phát triển hệ thống đô thị
 
Với đặc thù của các đô thị miền núi phía Bắc, quỹ đất phát triển đô thị hạn chế, dân cư sống không tập trung và với quy định hiện hành về việc phân loại đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị, việc phát triển thành đô thị loại IV gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thành lập đơn vị hành chính đô thị (thị xã). Thực trạng, thị trấn Việt Quang đã được công nhận là đô thị loại IV/2010, tuy nhiên đến nay chưa thành lập được thị xã. Trong toàn bộ vùng miền núi phía Bắc chỉ có thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được thành lập trong thời gian gần đây. Do đó, đối với kế hoạch phát triển các đô thị loại IV, loại III của tỉnh trong giai đoạn tới cần cân nhắc đảm bảo tính khả thi và cần nghiên cứu cụ thể trong bước lập đồ án quy hoạch chung đô thị.
 
Việc xây dựng thành phố Hà Giang phát triển thành đô thị loại II là cần thiết và phù hợp với thực trạng phát triển đô thị của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh và quốc gia. Tỉnh, thành phố đang xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Giang nhằm khắc phục những tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt so với quy định. Đối chiếu với tiêu chí đô thị loại II, thành phố Hà Giang cần phải phấn đấu thêm một số tiêu chuẩn: Về quy mô dân số, mật độ dân số, công trình văn hóa cấp đô thị, công trình thể dục, thể thao cấp đô thị, giao thông, tỷ lệ xử lý nước thải, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, quy chế quản lý kiến trúc, số lượng không gian công cộng…
 
Với điều kiện địa lý đặc thù, việc phát triển đô thị các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển kinh tế, xã hội, các tỉnh miền núi phía Bắc còn đóng vai trò rất lớn về an ninh quốc phòng, là “phên, dậu” của quốc gia. Do đó, việc phát triển tỉnh Hà Giang không chỉ là trách nhiệm riêng của tỉnh mà còn cần sự chung tay của toàn quốc. Ngày 21/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị trong đó đã quy định yếu tố đặc thù cho đô thị thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số bằng 60% mức quy định; mức tối thiểu của tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị bằng 50% mức quy định; các tiêu chí khác thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng; Như vậy sẽ tạo điều kiện để thực hiện nâng loại các đô thị miền núi nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.