Theo giới quan sát, cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2023 và báo cáo lạm phát của Mỹ trong những ngày tới sẽ là bài kiểm tra đà phục hồi của thị trường chứng khoán nước này sau nhiều tuần tăng liên tiếp.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Việc đặt cược vào khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến đã thúc đẩy chứng khoán Mỹ tăng vọt trong giai đoạn gần đây. Chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tăng gần 20% tính từ đầu năm 2023 tới nay sau khi ghi nhận mức tăng 8,9% - lớn nhất trong năm vào tháng 11 vừa qua.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng đà gia tăng của chứng khoán đã khiến thị trường dễ bị đảo chiều hơn nếu giá tiêu dùng không tiếp tục hạ nhiệt hoặc Fed ít ôn hòa hơn dự kiến.
Với mức tăng 0,2% và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 trong tuần trước, S&P 500 đã đánh dấu tuần tăng thứ sáu liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài nhất của chỉ số này trong khoảng 4 năm qua.
Ông Scott Wren, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện Đầu tư Wells Fargo (WFII), cho biết những lạc quan về triển vọng thu nhập doanh nghiệp, tình hình nền kinh tế và Fed đã đẩy thị trường chứng khoán lên mức cao này. Khi S&P 500 đã chạm đến phạm vi giao dịch cao như vậy, ông nghĩ rằng có nhiều khả năng suy giảm hơn là tăng cho thời gian tới.
WFII đặt mục tiêu cho S&P 500 vào năm 2024 là khoảng 4.700 điểm, tương đương mức tăng khoảng 2% so với hiện tại.
Mặc dù Fed dự kiến sẽ lần thứ ba liên tiếp giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 12 - 13/12, giới đầu tư sẽ theo dõi và tìm kiếm thêm những dấu hiệu củng cố dự báo của thị trường rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2024.
Sau cuộc họp, Fed cũng sẽ công bố bản tóm tắt các dự báo cho kinh tế Mỹ. Nhiều khả năng báo cáo đó sẽ cho thấy kỳ vọng về lãi suất trong năm tới của các quan chức.
Theo công cụ FedWatch của công ty dịch vụ tài chính CME, thị trường dự báo Fed có 46% khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 3/2024 và gần 80% khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng trong những tuần và tháng tới - đặc biệt khi S&P 500 chỉ còn 4% nữa là đạt mức cao mọi thời đại mới.
Các chu kỳ lãi suất trong quá khứ đã chỉ ra rằng chứng khoán có xu hướng tăng giá trong giai đoạn chính sách tiền tệ “tạm dừng”. Theo phân tích về 9 giai đoạn tương tự của công ty tư vấn đầu tư ClearBridge Investments, S&P 500 đã tăng trung bình 5,1% trong những khoảng thời gian Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất và trước đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này.
Đồng thời, theo chiến lược gia trưởng Ryan Detrick tại công ty tư vấn tài chính The Carson Group, giai đoạn tăng trưởng mạnh của thị trường thường chứng kiến cổ phiếu liên tục tăng giá trong nhiều tháng. Trong một báo cáo gần đây, ông Detrick cho hay mức tăng 8,9% của S&P 500 đã đưa tháng 11/2023 vào danh sách 20 tháng có hoạt động tốt nhất của chỉ số này kể từ năm 1950.
Ông chỉ ra khoảng 80% thời gian sau khi xảy ra những tháng đặc biệt đó, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 13,3%.
Tuy nhiên, mức tăng mạnh gần đây của thị trường vẫn khiến nhà đầu tư phải thận trọng.
Ông Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, cho biết số liệu giá tiêu dùng tháng 11 “nóng” hơn mong đợi có thể dẫn đến sự thoái lui trên thị trường trong ngắn hạn. Số liệu này dự kiến được công bố vào ngày 12/12 (giờ địa phương).
Tháng trước, thị trường đã tăng vọt sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2023 không thay đổi lần đầu tiên trong hơn một năm và làm tăng kỳ vọng Fed sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà đầu tư sẽ cân nhắc dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất khi những con số gần đây cho thấy nền kinh tế đang suy yếu, bao gồm cả một thước đo lạm phát quan trọng khác - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).
H.Thủy (TTXVN)