• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
22 Tháng Mười Một 2024 10:39:48 CH - Mở cửa
GVR: Tăng trưởng xanh - Đón đầu cơ hội
Nguồn tin: ĐCSVN | 13/12/2023 5:15:00 CH
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam luôn xác định vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao su. Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng của Tập đoàn nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
 
Mặc dù những khó khăn và thách thức từ tình hình chung hiện nay đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn) song từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Tập đoàn đã không ngừng nỗ lực với nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt. Một trong những kết quả đáng ghi nhận đó chính là sự quyết tâm trong triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững.
 
Xanh hóa các quy trình sản xuất
 
 
 
Tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững đã triển khai thành công trong 4 năm qua (2019 - 2023), hiện nay, Tập đoàn đang từng bước mở rộng một số hoạt động phù hợp với thực tiễn cũng như phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững trong đó xác định lấy tăng trưởng xanh làm trụ cột, là nội dung then chốt trong quá trình phát triển bền vững.
 
Để triển khai hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Tập đoàn đã xây dựng một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua việc rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành, nghề kinh doanh chính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh với cơ cấu nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, tích cực ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng có hàm lượng các-bon thấp, năng lượng sinh khối, sử dụng thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, hiệu suất sử dụng cao.
 
Tập đoàn cũng định hướng cho tất cả các công ty thành viên cần tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và không ngừng cải tiến hệ thống quản trị phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.
 
Mục tiêu Tập đoàn đặt ra là đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng, đặc biệt là yêu cầu của các nhà sản xuất lốp xe, chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su,… cũng như đáp ứng các chính sách chỉ thu mua cao su thiên nhiên từ các công ty cam kết đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Tiếp tục triển khai thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có các chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch, hoàn chỉnh hệ thống quản lý và nâng cao chuẩn mực kinh doanh hội nhập quốc tế. Đồng thời yêu cầu đối tác cung ứng áp dụng các quy trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đồng bộ hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trong chuỗi cung ứng.
 
Tập đoàn đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. Đồng thời, xác định mục tiêu đến năm 2050, toàn Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...); 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su,…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
 
​​​​​​​
 
 Nhờ áp dụng các tiêu chí tăng trưởng xanh, sản phẩm của Tập đoàn có thể đáp ứng đòi hỏi của những thị trường "khó tính" trên thế giới
 
Tập đoàn cho biết, tùy tình hình thực tế và nhu cầu thị trường trong tương lai sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện các chứng nhận về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, cập nhật liên tục và hoàn chỉnh các hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
 
Góp phần tăng giá trị sản xuất
 
Với việc quyết tâm triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững trong toàn Tập đoàn, tới nay, các công ty thành viên đã chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng, vận hành các giải pháp đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bước đầu đã cho nhiều kết quả tích cực.
 
Tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (tỉnh Bình Dương), ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty cho biết,nhằm bảo đảm phát triển bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế, môi trường và xã hội, ngay từ đầu, công ty đã xây dựng kế hoạch, chương trình theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong hoạt động nông nghiệp, công ty chú trọng việc tái thiết lại vườn cây từ khâu xây dựng vườn ươm, vườn nhân để chủ động về cây giống và bảo đảm đạt chuẩn, chất lượng từ lúc đưa ra trồng, chăm sóc đến khai thác mủ. Đặc biệt, đối với vùng nguyên liệu, vườn cây cao su được trang bị các dụng cụ có thể tái sử dụng, hạn chế thải ra môi trường, vườn cây thông thoáng, bảo vệ động thực vật xung quan; thuốc bảo vệ thực vật dùng đúng khuyến cáo, sử dụng thuốc gốc sinh học, tránh các chất độc hại và lao động trang bị bảo hộ đầy đủ khi làm việc.
 
Trong quá trình tái thiết vườn cây, nhằm đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, công ty đã thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 là 44,28 ha các khu nông nghiệp công nghệ cao rải đều tại các nông trường của công ty. Đến nay, công ty đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững để quản lý toàn bộ diện tích cao su và hoàn thành chứng nhận quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC (ngày 19/10/2022 đã chứng nhận được 2.791,57/12.944,31 ha, tương đương 21,6%). Mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% diện tích cao su được chứng nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
 
 
 
Đối với hoạt động chế biến mủ cao su, công ty có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất sản xuất thiết kế tối đa là 31.500 tấn/năm, bao gồm 3 dây chuyền chế biến mủ nước (SVR CV 50/60, SVR 3L/L/5) với công suất 21.000 tấn/năm, 1 dây chuyền chế biến mủ tạp (SVR 10/20) với công suất 6.000 tấn/năm và 1 dây chuyền chế biến mủ ly tâm (HA, LA) với công suất 4.500 tấn/năm. Trong đó, các lò xông sấy của nhà máy mủ nước và mủ tạp được công ty chuyển đổi từ dầu DO sang xông sấy bằng biomass và gas nhằm hạn chế phát thải khí CO2 ra môi trường. Theo lộ trình đến năm 2030, nhằm tiết giảm chi phí và giảm phát thải khí thải ra môi trường, công ty sẽ chuyển toàn bộ sang sử dụng bằng biomass. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế sử dụng điện lưới góp phần giảm khí thải nhà kính, bước đầu công ty đã đầu tư 406,2 Kwp điện năng lượng mặt trời, 2 hệ thống xử lý nước thải. Hiện, tất cả đang có hiệu quả hoạt động tốt. Tiến tới trong giai đoạn 2025 - 2030, công ty sẽ đầu tư tiếp điện năng lượng mặt trời tại các nhà máy chế biến để giảm một phần điện lưới đang sử dụng.
 
Việc sử dụng 2 hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất đã giúp công ty tiết kiệm từ 20 - 50% lượng nước sử dụng. Bùn thải từ hai hệ thống xử lý nước thải được tận dụng toàn bộ làm phân hữu cơ vi sinh để bón lại cho vườn cây, góp phần làm giảm chi phí xử lý môi trường.
 
Là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su Việt Nam (diện tích cao su 15.084 ha) ông Nguyễn Văn Tược cho biết, chính nhờ việc đầu tư sớm cho các hạng mục phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đã thu được nhiều thành quả tích cực, tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Trong đó, đặc biệt giá bán cao su luôn cao hơn thị trường từ 1-2 triệu đồng/tấn và cũng là đơn vị có giá bán cao nhất trong ngành.
 
Trong thời gian tới, ông Tược cho biết, công ty sẽ tiếp tục sắp xếp bộ máy tổ chức, quản lý tốt vườn cây và kỹ thuật khai thác. Tiếp tục nghiên cứu thâm canh nâng cao chất lượng vườn cây và tăng năng suất, duy trì tốt các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO và thực hiện chứng chỉ phát triển, bảo vệ rừng bền vững…
 
Tích cực bảo vệ môi trường
 
Đây cũng là một trong những đơn vị triển khai thực hiện tốt Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững của Tập đoàn. Trong năm 2023, Cao su Tân Biên (Tây Ninh) đã được tổ chức GFA đánh giá duy trì và cấp chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC cho tổng diện tích cao su hơn 4 nghìn ha. Ngoài ra, công ty tiếp tục thực hiện và đã được đánh giá tái cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC và DDS do tổ chức SGS chứng nhận.
 
 
 
Ông Trương Văn Cư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Tân Biên cho rằng, trên thực tế, hiện nay, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì không chỉ chạy theo doanh số mà buộc phải quan tâm đến các vấn đề môi trường xanh, chăm lo đời sống cho người lao động. Làm được như vậy mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, gia tăng nguồn thu, giữ chân lao động.
 
Đối với Công ty cổ phần Cao su Tân Biên, để chuyển đổi xanh, đơn vị thường xuyên tổ chức phân loại rác thải, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, công ty còn tiếp tục phương án tuần hoàn, tái sử dụng phục vụ cho các hoạt động sản xuất hoặc vận chuyển đi tái chế.  Nhờ đó, vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các nhà máy của công ty luôn giữ được môi trường xanh, sạch, thoáng đãng.
 
Chia sẻ về lợi thế khi triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, ông Trương Văn Cư cho biết, sau khi có chứng nhận VFCS, giá cả sản phẩm của công ty đã có sự gia tăng. Đặc biệt, khách hàng cảm thấy yên tâm hơn và không cần đến xem hàng trực tiếp khi công ty minh bạch hóa tất cả các chứng nhận bền vững của mình. Điều này giúp tăng đáng kể lượng khách hàng và cho phép công ty có quyền lựa chọn trong giao dịch.
 
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Tân Biên bày tỏ hy vọng trong tương lai, với nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, sạch ngày càng tăng ở trong nước và thế giới, giá các sản phẩm cao su thiên nhiên có chứng nhận VFSC sẽ được chấp nhận, thậm chí giá cả có thể được nâng cao hơn. Người tiêu dùng sẽ nhận thức rằng việc bỏ ra một khoản chi phí cao hơn để sử dụng sản phẩm cao su bền vững là tốt cho cả cộng đồng. Và khi ấy, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đối tác tìm mua những sản phẩm xanh.
 
Với lợi thế nguyên liệu từ công ty mẹ - nơi vùng trồng đã có chứng chỉ bền vững, trong thời gian qua, Công ty CP cao su kỹ thuật Đồng Phú (nệm Đồng Phú) thuộc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú khá an tâm và chủ động nhận những đơn hàng xuất khẩu lớn. Hiện tại, nệm Đồng Phú mới sử dụng được khoảng 20% nguyên liệu do công ty mẹ sản xuất ra nên dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Trong năm qua, Công ty sản xuất 12.850 tấm nệm và 50.000 cái gối.
 
Ông Đàm Duy Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su kỹ thuật Đồng Phú cho biết, với nguồn nguyên liệu đầu vào được đảm bảo, Công ty đã áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất để tăng năng suất lao động, hướng tới chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhằm hạn chế sử dụng điện lưới góp phần giảm khí thải nhà kính, toàn bộ mái nhà máy được lắp hệ thống điện mặt trời tạo ra năng lượng xanh. Từ hệ thống này, doanh nghiệp tiết kiệm được 60% chi phí tiền điện cho sản xuất.
 
Bên cạnh đó, để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh ngày càng hiệu quả, hiện Công ty đã thu hồi 100% phụ phẩm sau sản xuất để xử lý bằng cách xay nhỏ, sấy khô cung cấp cho những đơn vị sản xuất có yêu cầu chất lượng nguyên liệu thấp hơn nệm như lốp xe, tấm lót thú cưng, tấm lót chống trượt trong nhà xưởng… giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. Trong tương lai, Công ty cũng sẽ đầu tư sản xuất từ nguyên liệu phụ phẩm này để nâng cao thêm giá trị thay vì bán thô như hiện nay. “Sản phẩm của Đồng Phú 100% là cao su thiên nhiên nên thân thiện với môi trường, có thể tái chế và dễ dàng phân hủy khi thải ra môi trường nên là lợi thế lớn khi chào hàng sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản khi đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất xanh, nguyên liệu bền vững và mức độ an toàn cao”, ông Thảo cho biết.
 
Có thể thấy, Chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã và đang được các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện quyết liệt. Từ vườn cây đến nhà máy sản xuất, tiêu chí của tăng trưởng xanh đã giúp ngành cao su tích cực trong bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe con người đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đây sẽ là bàn đạp, là bệ phóng để khẳng định thương hiệu cũng như góp phần đưa Tập đoàn phát triển bền vững trong tương lai./.
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức