Hiện nay, vùng trồng trái cây đặc sản ở miền núi tỉnh Khánh Hòa đang chuyển dần theo canh tác hữu cơ. Phát triển nông sản đặc hữu chính là giải pháp để tạo đầu ra ổn định, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa.
Cây sầu riêng được người dân huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa trồng tại những thung lũng, sườn đồi, thu hoạch muộn hơn các vùng chuyên trồng sầu riêng quy mô lớn như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Vì vậy, việc tiêu thụ thuận tiện hơn. Hiện nay, người dân đang chuyển dần sang canh tác nông nghiệp sạch - hữu cơ, tức là không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp.
Miền núi tỉnh Khánh Hòa đã hình thành nhiều vườn cây chuyên canh, đặc hữu
Trang trại Sakura ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn là trang trại sầu riêng hữu cơ lớn nhất huyện với diện tích hơn 5 héc ta. Những cây sầu riêng ở đây được trồng thẳng lối và đánh số thứ tự, toàn bộ được quản lý bằng phần mềm, tự động hóa việc tưới nước, bón phân. Mỗi cây sầu riêng có đủ các thông số kỹ thuật, lượng phân bón, ngày thu hoạch... rất thuận tiện khi truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Quốc Huy, kỹ thuật viên trưởng của trang trại Sakura cho biết, trang trại hoàn toàn không sử dụng hóa chất nhằm bảo tồn hệ vi sinh vật dưới đất, các loại côn trùng, thiên địch của rầy hại. Ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, với cách chăm sóc này, khi sầu riêng ra trái, cây sẽ cho năng suất cao hơn.
"Không sử dụng thuốc hóa học và thuốc cỏ nhiều, mình sẽ bảo tồn được hệ sinh vật dưới đất và cả những côn trùng trong vườn của mình. Chính những đối tượng đó sẽ là thiên địch của những loài gây hại, hạn chế được một phần, ít can thiệp thuốc mà vẫn giữ được lá. Cây của mình nó khỏe từ đó sẽ tiết giảm được chi phí. Chắc chắn hiệu quả của việc này sẽ cao hơn vì năng suất cao hơn". ông Huy nói.
Với thương hiệu sầu riêng trái vụ, cơm vàng hạt lép, giá sầu riêng Khánh Sơn năm 2023 đã tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Những năm gần đây, các nhà vườn ở huyện Khánh Sơn đều được thương lái đặt hàng, thậm chí ký hợp đồng mua trước khi vào vụ. Năm nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 2.500 héc ta sầu riêng, trong đó, có 450 héc ta sầu riêng VietGAP.
Người dân miền núi tỉnh Khánh Hòa đang chuyển đổi canh tác hữu cơ
Ông Lương Xuân Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết, với năng suất 10-15 tấn/héc ta, nhiều hộ dân thu về trung bình 700 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/ha: "Phát triển nông nghiệp hữu cơ bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân. Lúc đầu, bà con chưa quen, cảm giác chuyển đổi mất nhiều thời gian thôi. Vừa rồi, đã có mấy vườn, toàn bộ chuyển theo phương pháp hữu cơ. Những năm trước, họ chăm sóc theo phương pháp hóa học, cây bị bệnh nhiều, rồi suy yếu. Vừa rồi, họ áp dụng phương pháp hữu cơ, có hộ dân tộc thiểu số mới làm có 9 tháng thôi nhưng sản lượng gần gấp đôi, cây rất bền vững"
Thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cụ thể là Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, huyện Khánh Sơn xác định chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp"; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các sản phẩm từ sầu riêng được phát triển đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái để phát triển bền vững. Từ đó, đáp ứng xuất khẩu chính ngạch không chỉ với Trung Quốc mà hướng đến Mỹ, Nhật, châu Âu...
Sầu riêng ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được xuất khẩu đi nhiều nước
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết huyện tập trung phát triển cây ăn quả, chủ lực là cây sầu riêng nhằm giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sớm thoát nghèo. Huyện đang phấn đấu mỗi gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cần trồng 10 - 15 cây sầu riêng đúng chuẩn sẽ mang về thu nhập 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/hộ/năm.
"Khi anh đã vào sản xuất theo chuỗi giá trị, có mã vùng trồng, có truy xuất nguồn gốc, giá trị mang lại nó tăng hơn 50%. Chúng tôi sẽ kết nối đầu ra cho tất cả các hộ sản xuất sầu riêng sạch ở huyện Khánh Sơn. Tôi tin chắc rằng không chỉ đi Trung Quốc mà nhiều thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Canada sẽ chấp nhận sầu riêng. Nhân rộng mô hình điển hình hữu cơ sạch và mang lại giá trị kinh tế cao, người dân sẽ chuyển dần sang trồng cây với sản phẩm sạch", ông Đinh Văn Dũng nhấn mạnh.