Tập đoàn Than Khoáng sản đề nghị UBND TP Cẩm Phả dừng ngay việc bốc xúc, thu gom đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn của công ty Thiên Nam
Dự án Thiên Nam nằm ở chân bãi thải Đông Cao Sơn, do Công ty CP Than Cọc Sáu quản lý. Ảnh: Vũ Cường
Cố tình vi phạm vào ranh giới của Công ty than Cọc Sáu quản lý
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới có văn bản gửi UBND TP Cẩm Phả về việc phối hợp bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
Trước đó, TKV nhận được văn bản số 6714/TNMT-NKB ngày 01/12/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh về việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ khoáng sản.
Trong công văn, TKV cho biết sau khi nhận được văn bản trên, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, chế biến than trên địa bàn Quảng Ninh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm công tác quản lý, đổ thải, sử dụng đất theo quy định và các văn bản chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, hiện Công ty CP Thiên Nam vẫn tiếp tục cho máy xúc vào khu vực bãi thải Đông Cao Sơn để bốc xúc, thu gom đất đá thải mỏ làm ảnh hưởng đến kỹ thuật tầng thải và gây nguy cơ hỏng hệ thống thoát nước tầng thải.
TKV nhấn mạnh, Công ty CP than Cọc Sáu đã bố trí lực lượng bảo vệ ngăn chặn nhưng Công ty CP Thiên Nam không chấp hành và cố tình vi phạm vào ranh giới của Công ty CP than Cọc Sáu quản lý. Từ đầu tháng 12 đến nay, Công ty CP than Cọc Sáu đã có các văn bản số 5469/TCS- TBK ngày 06/12/2023; văn bản số 5593/TCS-TBK ngày 14/12/2023 gửi UBND TP Cẩm Phả, Công an TP Cẩm Phả, TKV và UBND phường Mông Dương đề nghị hỗ trợ, phối hợp giải quyết nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tình hình an ninh trật tự ở khu vực này nguy cơ diễn biễn phức tạp.
Hoạt động sản xuất cát của Công ty Thiên Nam tại chân bãi thải Đông Cao Sơn phát sinh bụi ra môi trường. Ảnh: Vũ Cường
Để đảm bảo an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP Cẩm Phả, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị UBND TP Cẩm Phả phối hợp, chỉ đạo một số nội dung sau:
Dự án thu hồi, chế biến đá cát kết của Công ty CP Thiên Nam hiện nay chưa hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, do vậy đề nghị UBND TP Cẩm Phả yêu cầu Công ty CP Thiên Nam dừng ngay việc bốc xúc thu gom đất đá thải và rút toàn bộ thiết bị ra khỏi ranh giới quản lý của Công ty CP than Cọc Sáu.
Đề nghị UBND TP Cẩm Phả chủ trì, mời các đơn vị có liên quan và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm việc, họp bàn các giải pháp, biện pháp hỗ trợ Công ty CP than Cọc Sáu trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới.
Thiên Nam đã lấy gần 1,5 triệu m3 đất đá thải mỏ
Báo cáo mới nhất mà Công ty CP Thiên Nam gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, ngày 7/12, cho biết tính từ năm 2016 đến hết tháng 10/2023, tổng khối lượng đất đá thải mỏ Công ty đã thực hiện thu hồi để sản xuất cát nghiền nhân tạo là 1.448.054m3.
Mặt bằng dây chuyền thu gom đá cát kết tại bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty Thiên Nam. Ảnh: Vũ Cường
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, Công ty CP Thiên Nam cho rằng không thuộc đối tượng nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Công ty Thiên Nam viện dẫn Văn bản số 3639/DCKS-KS ngày 16/12/2015 của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam về việc khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nội dung: "Đối với hoạt động khai thác đất đá thải tại bãi thải của các mỏ than: Hiện nay, Luật Khoảng sản chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, do đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xin tiếp thu nội dung kiến nghị để đưa vào quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/3012 của Chính phủ".
Văn bản số 4166/TNMT-NKB ngày 24/7/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thu gom đá cát kết tại bãi thải để tái chế làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền của Công ty CP Thiên Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định: Công ty CP Thiên Nam đang thu gom chất thải rắn là đá cát kết thải tại các vị trí đầu tầng thải thuộc bãi thải Đông Cao Sơn từ hoạt động khai thác than của Công ty CP than Cọc Sáu để tái chế, chế biến ra các sản phẩm: Cát nghiền cho bê tông và vữa, vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án.
Cũng theo Công ty CP Thiên Nam, ngày 25/11/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã có cuộc họp liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường (chủ trì), Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính; theo đó có nội dung thống nhất tại Biên bản: Dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải tại khu vực bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty CP Thiên Nam là Dự án tận dụng nguồn đá cát kết từ đất đá thải chế biến ra vật liệu xây dựng; đối chiếu với quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009; Nghị định số 50/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tài nguyên", Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính "Quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau" (nay được sửa đổi tại Thông tư số 05/2020/TT-BTC ngày 20/01/2020) và Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn về thuế tài nguyên", thì hoạt động tận dụng, thu hồi, chế biến đá cát kết thải mỏ của Công ty không phải là hoạt động khai thác; nên đá cát kết thải mỏ không thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.
Tiếp nữa là Văn bản 1099/UBND-CN của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 25/02/2020 về việc giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Thiên Nam, trong đó có nội dung: Hiện nay Nghị định số 158/2016 của Chính phủ (thay thế cho Nghị định số 15/2012/NĐ-CP) cũng chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động thu hồi đá cát kết tại các bãi thải mỏ than, chưa có quy định đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng, tôn tạo mặt bằng là khoáng sản (đi kèm).
Công ty Thiên Nam cho biết thêm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Thiên Nam đối với Dự án, trong đó xác định rõ cát nhân tạo thu được từ Dự án có phải chịu thuế tài nguyên hay không, Công ty thực hiện Dự án có phải đối tượng chịu thuế tài nguyên hay không? các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư Dự án sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên của Công ty và các vấn đề khác có liên quan.
Mặc dù quy định về đất đá thải mỏ còn "tù mù" song Công ty Thiên Nam cho biết đã chủ động "ứng trước" trên 2,5 tỷ đồng nộp vào ngân sách tiền thuế tài nguyên, trong đó có phí bảo vệ môi trường là 530 triệu đồng.
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong 3 bài trước, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đá thải mỏ than là khoáng sản đi kèm; việc thẩm định, phê duyệt sử dụng đất đá thải mỏ được làm chặt chẽ như việc cấp phép khai thác một mỏ khoáng sản. Nếu muốn khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác phải báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường và được cho phép; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Thực tế hiện nay, để sản xuất 1 triệu tấn than cần bóc tách 8-10 triệu m3 đất đá và phần bóc tách này được tính vào chi phí sản xuất của các đơn vị ngành than. Nhiều ý kiến cho rằng việc Công ty Thiên Nam viện dẫn các văn bản khẳng định hoạt động khai thác bãi thải không thuộc đối tượng nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường là vô lý. Điều này, không khác nào Thiên Nam được "lấy không" đất đá thải mỏ, trong khi đây là khoáng sản đi kèm và đang được các doanh nghiệp "săn đón" mua làm vật liệu san lấp.
Mặt khác, than và đất đá thải mỏ đều là sản phẩm được tạo ra từ hoạt động khai thác than, là tiền, là mồ hôi, nước mắt, thậm chí sinh mạng của những người công nhân thợ mỏ. Do đó, không có chuyện Thiên Nam được lấy dễ dàng, miễn phí!
Theo biên bản làm việc giữa Công ty Thiên Nam và Than Cọc Sáu vào tháng 3/2016, để có nguồn cấp nguyên liệu hằng năm, Công ty Thiên Nam phải phối hợp với "chủ bãi thải" là Công ty Than Cọc Sáu để xác định vị trí, khối lượng nguồn nguyên liệu phục vụ cho dự án. Biên bản rõ ràng là vậy nhưng Công ty Than Cọc Sáu quả quyết từ tháng 1/2016 đến nay, chưa từng ký hợp đồng nào về cung cấp nguyên liệu đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn cho Công ty Thiên Nam.