Giám đốc điều hành Ryan Lance cho biết: "Với việc dự án được cấp phép, chúng tôi đã bắt đầu công việc vào mùa đông".
Các nhóm môi trường và bản địa hồi tháng 11 đã yêu cầu tòa án liên bang ở Alaska tạm thời cấm ConocoPhillips tiếp tục xây dựng dự án ở Bắc Cực, cho rằng điều này là cần thiết để ngăn chặn những tác hại sắp xảy ra liên quan đến môi trường.
Khu vực dự án Willow có trữ lượng ước tính khoảng 600 triệu thùng dầu và ConocoPhillips cho biết dự án sẽ có thể khai thác tới 180.000 thùng dầu mỗi ngày vào thời điểm cao điểm.
Việc phát triển dự án đã được các quan chức Alaska ủng hộ. Họ hy vọng nó sẽ giúp bù đắp sự sụt giảm sản lượng dầu ở một bang có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí.
Trước đó, một số nhóm môi trường đã đệ đơn kiện lên tòa án nhằm tìm cách ngăn chặn dự án khoan dầu Willow tại bang Alaska (Mỹ), một ngày sau khi Chính phủ Mỹ phê duyệt dự án gây tranh cãi này.
Cụ thể, 6 nhóm môi trường đã đệ đơn kiện lên Tòa án khu vực tại bang Alaska với cáo buộc Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan đã vi phạm Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA), Đạo luật về các loài nguy cấp (ESA) và các luật khác khi cấp phép cho dự án.
Ông Mike Scott thuộc tổ chức Sierra Club, một trong những nguyên đơn trong vụ kiện, cho rằng dự án Willow sẽ là mối đe dọa đối với động vật hoang dã, hệ sinh thái cũng như cộng đồng ở vùng Bắc Cực Alaska.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, dự án Willow sẽ thải 239 triệu tấn khí CO2 ra môi trường trong 30 năm tới, tương đương với lượng khí thải hằng năm của 64 nhà máy nhiệt điện than.
Tổng thống Biden cam kết cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 2005 để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 chậm nhất vào năm 2050.