• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.254,89 -9,59/-0,76%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.254,89   -9,59/-0,76%  |   HNX-INDEX   225,41   -0,95/-0,42%  |   UPCOM-INDEX   91,96   -0,42/-0,45%  |   VN30   1.325,62   -12,98/-0,97%  |   HNX30   484,43   -2,90/-0,60%
03 Tháng Mười Một 2024 9:03:26 CH - Mở cửa
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tạo không gian phát triển cho nông nghiệp
Nguồn tin: Vietnam+ | 29/12/2023 2:42:13 CH
Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước diễn biến khó lường và phức tạp, ngành nông nghiệp khép lại năm 2023 với nhiều dấu ấn thành công, đặc biệt tư duy kinh tế và tư duy thị trường nông nghiệp tiếp tục được mở rộng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Để nhìn lại bước đi của ngành trong năm 2023 cũng như những định hướng phát triển trong năm 2024, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan xung quanh vấn đề này.

Nông nghiệp được đánh giá là một điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2023, xin Bộ trưởng cho biết Bộ đã áp dụng những giải pháp gì để có thể đạt được kết quả nổi bật của ngành? 

Có lẽ là thành công trong kích hoạt được tư duy kinh tế và tư duy thị trường. Trước đây, ngành nông nghiệp tạo ra được sản lượng nhiều nhất, nhưng sản lượng càng cao đôi lúc thu nhập của người nông dân không phải vậy. Được mùa thì mất giá, nhiều khi chúng ta nên sản xuất ít hơn để có thể được nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu không có thị trường thì cũng không thể kích hoạt được sản xuất. 

Thị trường ngày càng khắc nghiệt hơn và chúng ta không chỉ mở cửa thị trường mà cần hiểu được đặc điểm của từng thị trường. Có những nông sản tiêu thụ sang Trung Quốc được, song không tiêu thụ được sang châu Âu. Hay có nông sản bán được ở Mỹ, nhưng không bán được ở châu Âu... Trước đây, chúng ta cho rằng thị trường chỉ là nơi mua bán, nay thị trường còn là văn hóa tiêu dùng. Ngay cả 27 quốc gia châu Âu cũng không phải cùng một xu thế tiêu dùng.

Do đó, quan trọng khi mở cửa thị trường là phải chuyển vùng nguyên liệu sản xuất cho nông dân và trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là gắn tiêu chuẩn của thị trường xuống vùng nguyên liệu. 

Sự thành công trong xuất khẩu nông sản đã chứng minh rằng, nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe nhất. Chẳng hạn gạo Việt Nam được đưa vào thị trường Nhật Bản, EU… Ngay cả Trung Quốc hiện cũng không phải là thị trường dễ tính mà ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm. 

Thị trường không chỉ là yếu tố cung cầu, bởi còn có những yếu tố ngoại giao. Do đó, thành tích của ngành nông nghiệp là những hình ảnh của đất nước và khi hình ảnh đất nước nâng lên thì niềm tin vào nông sản Việt cũng nâng lên theo.

Chiến lược của Đảng, Nhà nước xác định nông sản như là hình ảnh quốc gia và truyền đi thế giới với thông điệp: Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Một trong những điểm nổi bật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tận dụng được cơ hội trong khó khăn. Điển hình là trong khi nhiều quốc gia gặp bất ổn về về an ninh lương thực, song Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời đạt kim ngạch xuất khẩu cao với các mặt hàng như gạo, rau quả… Bộ trưởng chia sẻ kinh nghiệm điều hành để có thể tận dụng được cơ hội trên?  

Chỉ đạo của bộ đầu tiên là phải tổ chức lại sản xuất, bởi nông nghiệp Việt Nam bị manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Quá nhiều nông dân tham gia vào một ngành hàng và khi quá nhiều thì sẽ sinh ra xung đột. Do đó, quan trọng nhất là tổ chức lại cấu trúc của ngành hàng, tổ chức sản xuất, thị trường và liên kết giữa giữa nông dân với doanh nghiệp để giảm đổ vỡ, đứt gãy. 

Nông dân với doanh nghiệp là hai đầu của ngành hàng. Theo đó, một bên là đầu vào và một bên đầu ra, một bên sản xuất và một bên thị trường. Khi hai đối tượng này không gặp nhau sẽ không bền vững. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường và tư duy thị trường là tư duy doanh nghiệp. Thị trường gần nhất là doanh nghiệp, không có doanh nghiệp thì không có thị trường.

Doanh nghiệp phải chủ động tạo ra nguyên liệu ổn định, giúp nông dân con giống, quy trình canh tác. Bản thân doanh nghiệp cũng phải thoát khỏi tư duy mua bán vì tư duy này sẽ làm rối thị trường. Khi liên kết với nhau thì cần cân bằng lợi ích giữa nông dân với lợi ích của doanh nghiệp để cả hai bên cùng thắng.

Còn nông dân cần thay đổi và cơ quan chức năng giúp nông dân không phải bằng tiền mà phải có gói tín dụng gói hỗ trợ; đồng thời sâu xa hơn nữa là tri thức, kiến thức.

Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bộ trưởng có thể chia sẻ về quá trình chuyển đổi này?

Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. 

Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…, nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.

Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình trên còn giúp nông dân giảm chi phí. Bởi khi giá sản phẩm không tăng, nhưng chi phí giảm thì lợi nhuận của nông dân vẫn tăng.

Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Theo tôi, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.

Với kết quả đã đạt được trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những định hướng phát triển như thế nào trong năm 2024, thưa Bộ trưởng?

Ngành nông nghiệp lan tỏa hơn tư duy kinh tế nông nghiệp và ngành đang nỗ lực chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư kinh tế nông nghiệp. Ngành cũng sẽ nghiên cứu giải pháp để trên một đơn vị diện tích nông nghiệp tạo ra giá trị nhiều hơn. Cùng với đó, nông nghiệp không chỉ đơn thuần là nông nghiệp mà tích hợp nhiều ngành, lĩnh vực mới tạo ra giá trị. Đồng thời, tạo ra không gian phát triển cho nông nghiệp.

Chẳng hạn như nông nghiệp du lịch ở Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng minh, lợi nhuận thu nhập người nông dân tăng gấp 5 - 10 lần. Hay như làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp trước chỉ bán hoa thì nay thu hẹp sản xuất để tạo thêm điểm dừng nghỉ cho du khách. Vì vậy, những điều vô hình chưa khai thác còn giá trị nhiều hơn những cái hữu hình.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Hồng/TTXVN (Thực hiện)