Các nhà băng khẳng định, làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều gặp khó khăn, nên giải ngân tín dụng là "bài toán khó" với nhiều nhà băng.
Tại phiên thảo luận tại hội trường HĐND TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô ngày 6/12, nhiều đại biểu cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm, các doanh nghiệp có xu thế “nín thở” để xem xét thị trường. Thậm chí, dù lãi suất giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay, không dám mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp vẫn nghe ngóng thị trường
Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh chính sách tín dụng không có gì thay đổi, dư địa cho vay của các tổ chức tín dụng tương đối rộng rãi và thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì dồi dào cho thấy nguyên nhân không nằm ở thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh) nhấn mạnh, hoạt động của các doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp rời khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong đó số doanh nghiệp giải thể tăng 15%. Vì vậy, đại biểu đề nghị Thành phố có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh tín dụng đang là "bài toán khó" với nhiều nhà băng, do tất cả các phân khúc khách hàng đều gặp khó khăn, nhu cầu vay vốn thấp .
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lan Hương (quận Tây Hồ) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có xu hướng thu hẹp sản xuất, ngại mở rộng, ngoại trừ những ngành công nghệ thông tin, du lịch.
Theo bà Hương, thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng giảm nên các doanh nghiệp có xu thế “nín thở” để xem xét thị trường. Hơn nữa, dù lãi suất giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay, không dám mở rộng đầu tư. Doanh nghiệp chỉ dám vay khi nhìn thấy khách hàng hay đơn đặt hàng.
Doanh nghiệp mong muốn thành phố có những chính sách hỗ trợ nhìn thấy ngay để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; sớm ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, giới thiệu những sản phẩm của thành phố.
Theo một số ngân hàng, tình trạng tín dụng cuối năm từ khu vực doanh nghiệp lẫn cá nhân vẫn tăng rất chậm dù lãi vay xuống thấp. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện mức lãi cho vay tiền đồng còn 4%/năm (kỳ hạn ngắn) nhằm thúc đẩy tín dụng.
Các ngân hàng cho rằng vốn không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho, doanh nghiệp còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy, đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau" để cho vay, nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để phòng ngừa rủi ro.
Ngân hàng không cho vay bằng mọi giá
Ngoài việc giảm lãi suất từ 2-3%/năm, nhiều ngân hàng còn "nới" điều kiện cho vay, như giảm yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh tài sản trước khi giải ngân.
Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng chủ động làm việc với các ngành nghề và các hiệp hội trong nước và nước ngoài để hiểu được khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, từ đó dự phóng, hoạch định sẵn hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với kế hoạch của khách hàng.
Cũng tìm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng giám đốc OCB cho hay: “OCB kết nối giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ để đầu ra của doanh nghiệp lớn là đầu vào của doanh nghiệp nhỏ, hoặc kết nối giữa doanh nghiệp với người dân. Như vậy, chuỗi cho vay của ngân hàng sẽ được liên tục”.
Tại MB hiện nay còn khoảng 40 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay. Phó chủ tịch HĐQT Vũ Thị Hải Phượng thông tin, Ngân hàng đang xây dựng các giải pháp để đầu tư và tăng trưởng tín dụng cho các phân khúc khách hàng khác nhau, từ phân khúc khách hàng tiêu dùng thấp như nhóm khách hàng tài chính tiêu dùng đến khách hàng bán lẻ; phân khúc khách hàng sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh.
Mặc dù rất tích cực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các nhà băng cũng khẳng định sẽ không hạ chuẩn cho vay bằng mọi giá, đặc biệt là đối với lĩnh vực có hệ số rủi ro cao như bất động sản.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, tín dụng ngân hàng thực chất là tiền của hàng triệu người gửi tiền, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã gửi gắm cho ngân hàng trên cơ sở niềm tin với hệ thống. Ngân hàng có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đó một cách thận trọng, an toàn và hiệu quả. Cho vay những dự án dưới chuẩn, pháp lý không rõ ràng, phương án thu hồi vốn không khả thi hay có mức độ rủi ro cao không chỉ mang lại rủi ro cho chính ngân hàng, mà còn cho người gửi tiền, và toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, một trong những nguyên tắc cho vay của tổ chức tín dụng là khách hàng phải sử dụng vốn đúng mục đích và vốn vay phải chịu sự kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của tổ chức tín dụng, kể cả có tài sản bảo đảm là tài sản độc lập cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, không phải cứ có tài sản là cho vay bằng mọi giá. Khi tổ chức tín dụng cho khách hàng vay với mục đích góp vốn vào bên thứ thứ ba để kinh doanh thì phải kiểm soát được vốn vay, song trong trường hợp này do bên thứ ba không vay trực tiếp ngân hàng nên không thể đến kiểm tra vốn vay (trừ trường hợp có thỏa thuận 3 bên cho phép ngân hàng kiểm tra sổ sách, chứng từ liên quan đến vốn góp).