Tại Việt Nam, hai hãng tàu của liên minh 2M (vừa tuyên bố giải tán) cũng tham gia vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sang Châu Âu và Mỹ.
Hai hãng tàu lớn bậc nhất thế giới ngừng hợp tác
Hai hãng tàu container lớn nhất thế giới là MSC và Maersk đã tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia trong liên minh vận tải 2M sau khi thỏa thuận chia sẻ chỗ (Vessel sharing agreement) giữa cả hai sẽ hết hạn vào tháng 1/2025.
Trong thông cáo báo chí phát ra, ông Vincent Clerc, CEO của A. P. Moller - Maersk (tập đoàn mà hãng tàu Maersk là thành viên) và ông Soren Toft, CEO của MSC, cho biết: MSC và Maersk nhận thấy thị trường đã có nhiều thay đổi kể từ khi hai công ty ký thỏa thuận có hiệu lực 10 năm vào năm 2015. Việc ngừng liên minh 2M sẽ mở đường cho cả hai hãng tiếp tục theo đuổi các chiến lược riêng.
Trong số 3 liên minh hãng tàu đang hoạt động, liên minh 2M là liên minh có tuổi đời “dài” nhất trong số ba liên minh đang hoạt động. Tuy nhiên với thông báo mới nhất từ phía Maersk và MSC, thì tuổi của 2M cũng sẽ dừng lại ở số 10.
Thành viên của 3 liên minh đang hoạt động - theo Alphaliner
Giới phân tích trong ngành cho rằng việc 2M giải tán có thể ảnh hưởng đến các thành viên của hai liên minh còn lại, thậm chí có đồn đoán rằng Maersk có thể sẽ lập ra một liên minh mới với thành viên từ một trong hai liên minh còn lại.
Dù hai hãng tàu khẳng định các tuyến dịch vụ vận tải sẽ không bị ảnh hưởng ngay lập tức vì hai bên sẽ tiếp tục hoạt động như đã thực hiện kể từ năm 2015 cho đến khi ổn định lại, nhưng cuộc “chia tay” này được dự đoán sẽ tạo nên nhiều thay đổi cho ngành vận tải biển toàn cầu trong tương lai.
Hãng tàu MSC cập cảng làm hàng tại cảng SSIT khu vực Cái Mép - Thị Vải
Hai hãng vận tải biển lớn thế giới không còn hợp tác có thể kéo theo một số thay đổi về giá cước vận tải và giới hạn khai thác của các hãng tàu. Sự cạnh tranh cũng tăng lên.
Theo nhận định của Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime, sự cạnh tranh gia tăng có thể làm giảm tỷ lệ giá cước. Sau khi liên minh kết thúc, các chủ hàng sẽ có sự lựa chọn giữa hãng Maersk, MSC hoặc một hãng vận tải khác. Điều này tạo nên thế cạnh tranh giữa các hãng tàu để tranh giành khách hàng.
“Trong thời hạn ngắn (tức là năm 2023), áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng giữa các hãng vận tải dẫn đến mức giá thấp hơn so với mức giá trước đây”, Lars Jensen cho hay.
Theo các chuyên gia, thế giới có thể chứng kiến một cuộc chiến tỷ giá sau khi liên minh kết thúc, có thể khiến tỷ giá giao ngay giảm mạnh và cũng có thể dẫn đến sự xáo trộn trong các liên minh còn lại.
Khó có cơ hội cho đội tàu Việt Nam
Tại Việt Nam, hai hãng tàu của liên minh 2M cũng tham gia vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sang Châu Âu và Mỹ. Trên thực tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các hãng tàu ngoại nằm trong các liên minh.
Sự hình thành liên minh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài với sự phục hồi chậm, rất nhiều hãng tàu gặp khó khăn trong khai thác, thậm chí một số hãng tàu lớn đã phải phá sản. Do đó, xu thế liên minh, sát nhập được thực hiện để tăng hiệu quả khai thác.
Do đó, sự tan rã của liên minh 2M cũng có thể khiến Việt Nam chịu ít nhiều ảnh hưởng. Song theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN Bùi Văn Trung, còn quá sớm để có thể nói những ảnh hưởng của sự tan rã liên minh tới việc vận chuyển hàng hóa đường biển của Việt Nam thế nào, vì còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường.
Hiện nay, chưa thể định hình được thị trường trong thời gian tới, khi hàng hóa container toàn cầu đang giảm và lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, ông Trung khẳng định dù liên minh 2M có tan rã, đội tàu của Việt Nam cũng khó có cơ hội để thay thế trong việc vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. “Đội tàu của ta quá nhỏ bé, cũng không thể tham gia để liên minh với các hãng tàu lớn thế giới”, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN chia sẻ.
Khẳng định sản lượng hàng hóa không do hãng tàu quyết định, theo một doanh nghiệp cảng biển, các hãng tàu cần những thị trường tăng trưởng như Việt Nam cho các kế hoạch tương lai. Do đó, dù xu thế thay đổi có thể khiến các tuyến dịch vụ thay đổi và có sự chuyển dịch hàng hóa, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng hàng hóa qua cảng biển.
Theo Cục Hàng hải VN, Việt Nam có thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container có tính cạnh tranh rất cao giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Hiện nay với tuyến vận tải hàng hóa container đi Châu Âu và Mỹ chủ yếu do 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận, trong đó phần lớn là các hãng tàu thuộc cái liên minh như 2M (MSC và Maersk), Ocean (CMA - CGM, COSCO, Evergreen và OOCL) và T.H.E (Hapag - Lloyd, O.N.E, Yang Ming và HMM).
Các hãng tàu trong liên minh trao đổi thông tin về hàng hóa để thực hiện khai thác tàu đến và tàu đi, chia sẻ chỗ (địa điểm, thời điểm, thời gian bốc, dỡ hàng hóa). Các công ty trong liên minh không được phép chia sẻ thông tin về giá cước, các loại phụ thu ngoài giá cước và các vấn đề về kinh doanh do phải tuân thủ quy định của Luật chống độc quyền của Châu Âu và Mỹ.