Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3) là một trong 3 "ông lớn" ngành bất động sản đăng ký thực hiện Dự án Phát triển đô thị phường Sông Bằng (khu C), Cao Bằng.
Nam Mê Kông xin làm dự án gần 1.600 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Phát triển đô thị phường Sông Bằng (khu C).
Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.586 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 297 tỷ đồng. Diện tích khu đất thực hiện Dự án khoảng 260.058 m2. Các sản phẩm chính của Dự án do nhà đầu tư thực hiện gồm khoảng 456 căn shophouse, nhà ở liên kế và biệt thự; các công trình thương mại, dịch vụ...
Tiến độ đầu tư Dự án dự kiến từ quý I/2023 đến quý IV/2025. Tiến độ chi tiết được xác định sau khi hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông, Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà - Việt Đức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (
VC3) là một trong 3 "ông lớn" ngành bất động sản đăng ký thực hiện Dự án Phát triển đô thị phường Sông Bằng (khu C), Cao Bằng. Ảnh
VC3
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông, tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng Số 3 (Vinaconex 3) - Công ty con của Vinaconex được thành lập vào ngày 17/9/2002. Đến năm 2015, Vinaconex thoái vốn khỏi Vinaconex 3.
Tập đoàn này kinh doanh trọng tâm là đầu tư và phát triển các dự án bất động sản đồng thời đầu tư ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo và cảng biển - Logistics. Năm 2007,
VC3 chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của Nam Mê Kông là ông Kiều Xuân Nam (SN 1972). Theo Báo cáo quản trị năm 2022 của Tập đoàn, ông Kiều Xuân Nam nắm giữ hơn 50,9% cổ phần tại
VC3.
Theo giới thiệu, giai đoạn 1994 - 2005, ông Nam là Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Procimex Đà Nẵng tại Liên Bang Nga. Từ 2005 - 2009, ông Nam làm ở Công ty bán hàng Công ty phân phối FPT với vai trò là Giám đốc phụ trách bán hàng. Từ 2009 đến 2012, ông là Giám đốc Công ty CP Đầu tư tài chính FR.
Ông Kiều Xuân Nam từng giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tài chính Hoàng Minh (KPF) từ 6/1/2018 đến 30/8/2019. Trong thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2019, ông Nam là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 3.
Và từ tháng 4/2019 đến nay ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Nam Mê Kông.
Tập đoàn Nam Mê Kông có gì?
Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2014 - 2017, doanh thu thuần của Nam Mê Kông ghi nhận ở mức cao, lần lượt đạt 506,8 tỷ đồng, 447 tỷ đồn, 557 tỷ đồng và 542 tỷ đồng. Lợi nhuận mang về cao nhất ở mức 75,3 tỷ đồng trong năm 2016, tiếp đó năm 2017 với 43,5 tỷ đồng, năm 2015 ghi nhận 43 tỷ đồng và gần 17,6 tỷ đồng trong năm 2014.
Từ năm 2018 - 2021, doanh thu giảm khá mạnh, lần lượt đạt 290,3 tỷ đồng, 330 tỷ đồng, 122,1 tỷ đồng và 200,9 tỷ đồng. Lợi nhuận trồi sụt không đều, cụ thể năm 2018, lợi nhuận đạt 22 tỷ đồng, giảm 49,4% so với năm 2017; đến năm 2018, lợi nhuận lại tăng hơn 130% lên hơn 51 tỷ đồng nhưng năm 2019, lợi nhuận lại lao dốc còn gần 14 tỷ đồng. Năm 2021, dù doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 4,4 lần lên 61,3 tỷ đồng.
Và mới đây,
VC3 đã công bố tình hình kinh doanh quý IV/2022 và lũy kế cả năm 2022. Trong quý IV/2022, Nam Mê Kông ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 457,2 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Doanh thu chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 43% xuống còn 5,6 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay cũng tăng đột biến gấp 10 lần cùng kỳ, lên hơn 13 tỷ đồng. Theo giải trình của Tập đoàn, trong quý IV/2022, các khoản lãi vay đã chấm dứt giai đoạn vốn hoá vào tài sản và ghi nhận vào kết quả kinh doanh trong kỳ.
Chi phí bán hàng ghi nhận 21,9 tỷ đồng chủ yếu liên quan đến kinh doanh các sản phẩm bất động sản của dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp 5 lần cùng kỳ, lên 10,7 tỷ đồng do được hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Kết quả,
VC3 lãi ròng gần 78 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 63,6% so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm,
VC3 ghi nhận doanh thuần thu hơn 514,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 157% và 32% so với thực hiện năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Năm 2022,
VC3 đã đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 835 tỷ đồng và có lãi trước thuế 951 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp này mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 12% kế hoạch lợi nhuận dù đạt nhiều kết quả khởi sắc.
Cuối năm 2022, tổng tài sản doanh nghiệp gần 3.635 tỷ đồng, tăng 139% so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.412 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với 1.911 tỷ đồng tại dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2; dự án The Charms với 473,9 tỷ đồng và dự án Khu dân cư Vinaconex 3 - Phổ Yên với 14,6 tỷ đồng.
Khoản mục người mua trả tiền trước cho các sản phẩm bất động sản dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 là 1.580 tỷ đồng, chiếm 65% tổng nợ phải trả trong khi đầu năm chưa phát sinh. Ngoài ra,
VC3 cũng ghi nhận còn 38 tỷ đồng tiền khách đặt cọc giữ chỗ các dự án bất động sản, như khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên, khu đô thị Bảo Ninh 2, dự án Phan Đình Phùng – Thái Nguyên.
Tại thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả hơn 2.428 tỷ đồng, tăng 303% so với đầu năm chủ yếu do khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn cho các sản phẩm bất động sản dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 gần 1.851 tỷ đồng, cùng kỳ không phát sinh khoản này; phải trả người bán ngắn hạn tăng 10 lần lên 401 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn tăng 3 lần lên 103 tỷ đồng.
Trong năm 2022,
VC3 đã chào bán thành công 33,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng quy mô vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên mức 1.002 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ đầu tư dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2, có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó,
VC3 còn có kế hoạch đầu tư vào dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Đồng Hới, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, thông qua việc liên danh với CTCP Đầu tư và Phát triển Thiên Hà Xanh để thực hiện dự án.