TTC AgriS đã chủ động xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hoá, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía...
Một nông trường mía thuộc TTC AgriS (ảnh minh hoạ)
Bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngành mía đường trong nước niên độ 2021- 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô trong và ngoài nước. Với định hướng chiến lược phát triển bền vững cùng nông dân Việt Nam, trong niên độ 2022-2023, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS, HOSE:
SBT) đã chủ động tìm hướng đi mới nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gia tăng tại các địa phương.
Tính đến ngày 30.9.2022, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ thu hoạch 2021-2022. Luỹ kế đến kết thúc vụ, toàn ngành ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 747.000 tấn đường, chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu trong nước với sản lượng tiêu thụ ước tính lên đến gần 2 triệu tấn/năm.
Tuy vậy, giá thu mua mía trong niên độ 2021-2022 cũng tăng lên mức cao kỷ lục, đạt mức từ 1,16-1,22 triệu đồng/tấn mía tươi sạch 10 chữ đường khiến người nông dân phấn khởi, an tâm phát triển vùng nguyên liệu. Điển hình như TTC AgriS, với chính sách thu mua mía tốt cùng với các hoạt động đồng hành sát sao với người nông dân đã giúp sản lượng mía đạt 2,75 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ.
TTC AgriS đã chủ động xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hoá, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía, điều chỉnh tăng giá thu mua mía tại ruộng trên phương tiện vận chuyển… để khuyến khích nông dân đầu tư phát triển diện tích, sản lượng canh tác. TTC AgriS cũng đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nhằm tối ưu hoá quy mô, đa dạng hoá sản phẩm từ cây mía và các sản phẩm giá trị gia tăng từ chuỗi giá trị cây mía.
Nhằm kết nối người nông dân có nhu cầu và năng lực sản xuất mía với các chủ thể có quỹ đất tốt đang có nhu cầu hợp tác sản xuất nông nghiệp, TTC AgriS đã và đang đóng vai trò trung gian kết nối giữa các chủ thể này thông qua chương trình "Ngân hàng đất đai". Trên những cánh đồng lớn này, TTC AgriS và người nông dân áp dụng các giải pháp cơ giới hoá đồng bộ từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, mang lại kết quả sản xuất tốt và hạ giá thành, giúp nâng cao hiệu quả cây mía cũng như lợi nhuận của người trồng mía.
Các khoản trả trước ngắn hạn, dài hạn (đầu tư vốn) cho nông dân trồng mía của TTC AgriS trong niên vụ 2021-2022 tăng gấp đôi so với mức đầu tư trung bình của các năm trước đó. Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ nông dân về chi phí canh tác, đầu tư giống mía, phân bón, giải pháp bảo vệ thực vật về sâu, bệnh hại, máy móc thiết bị, cải tạo cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho niên vụ 22-23 mở rộng diện tích canh tác mía và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt tới vùng nguyên liệu.
Để giúp nông dân yên tâm đầu tư, gắn bó với cây mía, TTC AgriS thông báo chính sách bảo hiểm giá mía trong 3 vụ liên tiếp, trong đó giá bảo hiểm vụ thu hoạch 2022-2023 lên đến 980.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng, tuỳ theo khu vực. Đây là mức giá tối thiểu mà công ty cam kết, tuỳ vào tình hình thị trường công ty có thể điều chỉnh thu mua mía với giá cao hơn, bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân, với quan điểm xuyên suốt “Nông dân có lãi – Nhà máy có lời”.