Dù đã có sự cải thiện đáng kể trong hoạt động những năm gần đây, song bảng cân đối kế toán của PVOil vẫn còn những điểm cần lưu ý, nổi bật là khoản lỗ lũy kế hơn 400 tỷ đồng, hay khoản nợ xấu hơn 800 tỷ đồng.
PVOil là nhà phân phối xăng dầu lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Petrolimex. Ảnh: Internet
Mới đây, liên danh Công ty Xăng dầu B12 - CTCP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội đã trúng gói thầu "Mua sắm nhiên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất" của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2023 - 2024 với giá trúng thầu 5.103 tỷ đồng.
Trong liên danh trúng thầu nêu trên, CTCP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội là gương mặt đáng chú ý. Thành lập vào năm 2010, pháp nhân này là một trong 27 công ty con thuộc sở hữu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil, UPCoM:
OIL). Tại ngày 31/12/2022, PVOil đang nắm giữ 71,84% vốn điều lệ của Xăng dầu Dầu khí Hà Nội.
Chân dung PVOil
PVOil được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh Sản phẩm Dầu (PDC).
Sau khi nhận chuyển nhượng sản xuất kinh doanh từ PTSC vào năm 2009 và tiếp nhận phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Petec vào đầu năm 2013, PVOil trở thành đơn vị duy nhất của PVN tham gia phát triển hoàn chỉnh khâu hạ nguồn của ngành dầu khí trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh dầu thô và chế biến, tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu.
PVOil ra đời đánh dấu bước hoàn tất công tác tái cấu trúc, hợp nhất 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu của PVN gồm PetroMekong, PDC, Petechim và Petec. Năm 2010, PVOil đã mua toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu của Shell Lào và thành lập PVOil Lào. Tiếp đó, PVOil nhận chuyển nhượng vốn từ SCIC tại 8 công ty có hoạt động kinh doanh xăng dầu để thành lập các công ty con tại các tỉnh.
Đến ngày 25/1/2018, PVOil đã tổ chức thành công phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giá đấu thành công bình quân là 20.196 đồng/CP. Với khối lượng chào bán gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ của công ty, giá khởi điểm là 13.400 đồng/CP, tổng giá trị chào bán của PVOil đạt hơn 2.770 tỷ đồng và đã được 3.195 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua hết với khối lượng đăng ký hơn 483 triệu cổ phần, gấp 2,33 lần khối lượng chào bán.
Hơn 1 tháng sau khi cổ phần hóa, ngày 7/3/2018, PVOil đã chính thức niêm yết trên sàn UpCom với mức giá 20.200 đồng/CP.
Đến nay, PVOil có 37 đơn vị thành viên gồm 27 công ty con nắm quyền chi phối, 3 công ty liên doanh và góp vốn tại 7 công ty liên kết. Đây cũng là doanh nghiệp độc quyền xuất khẩu dầu thô và là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ xếp sau Petrolimex (PLX).
PVOil hiện có số vốn điều lệ 10.342 tỷ đồng, với 80,52% cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), số còn lại thuộc về các cổ đông khác. Chủ tịch HĐQT là ông Cao Hoài Dương (SN 1972), Tổng giám đốc là ông Đoàn Văn Nhuộm (SN 1963).
Theo tìm hiểu, ông Cao Hoài Dương nguyên quán tại tỉnh Thanh Hóa, từng học Thạc sỹ tại trường Đại học tổng hợp New South Wales, Sydney - Australia. Ông bắt đầu công tác tại PVN từ năm 1993. Từ tháng 6/1993 – 5/1995, ông Dương là chuyên viên phòng Khoa học Công nghệ Môi trường. Từ tháng 7/1997 - 6/2001, ông là chuyên viên phòng Chế biến Dầu khí. Từ 6/2001 - 5/2008, ông làm việc tại Ban Lọc hóa dầu Nghi Sơn của PVN.
Tháng 5/2008 - 11/2010, ông Cao Hoài Dương nắm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Từ tháng 11/2010 - 12/2015, ông làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP. Từ tháng 1/2016 đến nay, ông hoạt động trong HĐQT của PVOil và được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này vào tháng 9/2020.
Còn ông Đoàn Văn Nhuộm là người từng có 32 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí. Từ năm 2006 – 2014, ông Nhuộm là Giám đốc CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South), rồi từ cuối tháng 9/2014 đến hết năm 2015 là Tổng Giám đốc PVOil.
Đầu năm 2016, ông Đoàn Văn Nhuộm đảo vai với ông Cao Hoài Dương sang làm thành viên HĐQT kiểm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - HoSE: DPM). Trong khi, ở chiều ngược lại, ông Cao Hoài Dương rời ghế CEO DPM để sang làm Thành viên HĐQT kiêm CEO PVOil.
Đến tháng 9/2020, hai doanh nhân này chính thức về chung một nhà và chia nhau hai vị trí chủ chốt nhất ở PVOil cho đến hiện tại.
Dưới thời ông Cao Hoài Dương, PVOil ghi nhận kết quả kinh doanh có xu hướng tăng trưởng ổn định. Một so sánh nhanh, lãi ròng PVOil năm 2022 đạt 726 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,3 lần so với năm 2016 - thời điểm ông Dương nhậm chức Thành viên HĐQT kiêm CEO PVOil như đã biết.
Tính riêng năm 2022, doanh thu thuần của PVOil đạt 103.729 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2021 và là con số cao nhất từ trước đến nay. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty còn 726 tỷ đồng, tương đương giảm 6%. Năm 2022, PVOil đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021. Với kết quả trên, PVOil đã vượt 130% kế hoạch doanh thu và vượt 182% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.
Xét về hiệu quả kinh doanh, ROE và ROA PVOil năm 2022 tương đương với ông lớn Petrolimex (PLX). Theo đó, ROE và ROA PVOil lần lượt đạt 6,42% và 2,51%, trong khi ROE và ROA của PLX lần lượt ở mức 6,88% và 2,59%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản PVOil tại thời điểm ngày 31/12/2022 đạt 28.968 tỷ đồng, tăng 6,5% so với số đầu kỳ, nợ phải trả 17.650 tỷ đồng, chiếm 61% trong cơ cấu nguồn vốn của tổng công ty.
Mở rộng giai đoạn 2013-2022, PVOil chỉ ghi nhận duy nhất 2 năm báo lỗ là năm 2014 (lỗ 1.503,6 tỷ đồng) và năm 2020 (lỗ 166 tỷ đồng). Trong đó, 2020 là một năm biến động và bất thường với doanh nghiệp xăng dầu trong nước nói chung khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh, giá bán lẻ giảm thấp nhất trong vòng 13 năm qua, chiết khấu thị trường diễn biến phức tạp có thời điểm xuống rất thấp nhưng cũng có thời điểm lại tăng cao kỷ lục....
Một điểm đáng chú ý là nợ xấu PVOil tính tới ngày 31/12/2022 lên đến gần 867 tỷ đồng với hàng chục doanh nghiệp, nhưng giá trị thu hồi ước tính chỉ là 28,7 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Dầu khí và Chất đốt Miền Bắc (124,2 tỷ đồng), CTCP ĐT và PT Xăng dầu Tiên Phong (118,5 tỷ đồng), CTCP Vận tải Thương mại Quảng Đông (88 tỷ đồng).... là những bên có số nợ phải thu khó đòi lớn với PVOil.
Ngoài ra, PVOil đã duy trì lỗ lũy kế suốt nhiều năm, tới cuối năm 2022 là âm 436 tỷ đồng. Dù vậy, đây đã là con số khá tích cực nếu so sánh với khoản lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014.