Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO), vốn được xem là “ông lớn” của ngành mía đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt mục tiêu lỗ trên 34 tỉ đồng trong niên độ 2022-2023. Đây là con số lỗ kỷ lục sau gần 20 năm kể từ ngày đơn vị này được cổ phần hoá.
Số lượng mía cuối cùng được đưa vào nhà máy đường Phụng Hiệp (CASUCO) ép trong những ngày cuối năm ngoái.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT CASUCO đã ký tờ trình số 04/TTr-HĐQT/2023 để trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 nhằm thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ 2022-2023. Trong tờ trình, mục tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lỗ 34,147 tỉ đồng.
Theo thông tin của phóng viên, tờ trình này sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 31-3 tới.
So với con số được nêu ra tại tờ trình số 04/TTr-HĐQT/2022 về việc thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 (đại hội bất thành – PV) đã ra vào ngày 14-12 năm ngoái, mục tiêu mới về mức lỗ tăng hơn 5 tỉ đồng. Trước đó, mục tiêu lỗ là 28,949 tỉ đồng.
Việc đặt mục tiêu về lỗ nhiều như trên do sản lượng mía nguyên liệu dự kiến đưa vào ép cũng như sản lượng đường thành phẩm sản xuất ra trong niên độ 2022-2023 là rất thấp, tương ứng lần lượt chỉ đạt 14.513 tấn và 1.065,5 tấn.
Trong khi đó, ở những năm phát triển đỉnh cao của CASUCO, lượng mía nguyên liệu được đơn vị này đưa ép rất lớn. Trong đó, trong niên độ 2017-2018, lượng mía đạt trên 950.000 tấn, niên độ 2018-2019 là 325.000 tấn.
Trao đổi với KTSG Online, một cổ đông lớn của CASUCO xác nhận, con số lỗ như nêu trên là chưa từng xảy ra. “Chưa bao giờ lỗ như vậy”, vị này nói và cho rằng, khả năng lỗ sẽ còn cao hơn so với con số mục tiêu hơn 34 tỉ đồng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua vào cuối tháng 3-2023.
Nguồn tin nêu trên cho biết, trước khó khăn của CASUCO, nhóm cổ đông đại diện cho Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS) – thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công đã có thư đề nghị hợp tác với nhóm cổ đông Kim Hà Việt – nhóm cổ đông chiếm tỷ lệ vốn điều lệ lớn nhất tại CASUCO để vực dậy công ty cũng như ngành mía đường ĐBSCL.
Theo đó, nhóm cổ đông đại diện TTC AgriS đề nghị nhóm cổ đông Kim Hà Việt thực hiện tái cơ cấu bộ máy quản trị, điều hành và khung pháp lý để đảm bảo hoạt động vận hành thông suốt, đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, thực hiện miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc và bầu lại HĐQT với 5 thành viên; Ban kiểm soát với 3 thành viên tại Đại hồi đồng cổ đông gần nhất. HĐQT sẽ bầu tổng giám đốc công ty và các thành viên Ban tổng giám đốc tại kỳ họp đầu tiên.
Cơ cấu nhân sự đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành được thiết lập trên cơ sở đảm bảo hài hoà tỷ lệ sở hữu cổ phần, năng lực và trách nhiệm giữa 2 nhóm cổ đồng theo phương án: một bên đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT, thì bên còn lại sẽ đảm nhiệm Tổng giám đốc/giám đốc hoặc ngược lại; môt bên đảm nhiệm Trưởng ban kiểm soát, thì bên còn lại đảm nhiệm kế toán trưởng hoặc ngược lại; bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc theo hướng mỗi bên cử 1 người (1 người phụ trách điều hành sản xuất, 1 người phụ trách công tác nguyên liệu).
Các chức danh cấp trưởng, phó các đơn vị trực thuộc tổ chức theo hướng: một bên cử người đảm nhiệm cấp trưởng, thì bên còn lại cử người đảm nhiệm cấp phó.
Ngoài ra, nhóm cổ đông đại diện TTC AgriS cũng đề nghị sửa đổi một số nội dung điều lệ của CASUCO để đảm bảo phù hợp quy định Luật Doanh nghiệp hiện hành và thực tế nhu cầu quản trị, điều hành của CASUCO; xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả giúp vực dậy hoạt động của CASUCO trong giai đoạn 3-5 năm.
Tuy nhiên, một cổ đông lớn của CASUCO xác nhận với KTSG Online, đến thời điểm hiện tại, nhóm cổ đông Kim Hà Việt vẫn chưa đồng ý với đề nghị từ nhóm cổ đông đại diện TTC AgriS.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, thời kỳ đỉnh cao, riêng tỉnh Hậu Giang, mỗi năm có 14.000-15.000 héc ta diện tích sản xuất mía để cung cấp cho các doanh nghiệp trong vùng hoạt động, trong đó, chủ yếu là nhà máy đường Phụng Hiệp của CASUCO. Tuy nhiên, sau nhiều năm các nhà máy đường hoạt động “ì ạch”, khiến diện tích trồng mía ngày càng sụt giảm, chỉ còn khoảng 2.000 héc ta phục vụ cho nhu cầu ép lấy nước giải khát.