• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.239,26 -12,45/-0,99%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.239,26   -12,45/-0,99%  |   HNX-INDEX   230,84   -1,58/-0,68%  |   UPCOM-INDEX   92,57   -0,38/-0,41%  |   VN30   1.281,37   -12,93/-1,00%  |   HNX30   498,07   -6,06/-1,20%
17 Tháng Chín 2024 3:11:09 SA - Mở cửa
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đầu tư nhà ở xã hội chưa theo kịp nhu cầu lớn của người lao động
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 19/03/2023 7:15:00 CH
Đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động luôn là vấn đề bức thiết tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đang có 21 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), thu hút hơn 71.000 lao động đang làm việc. Số căn hộ nhà ở xã hội cung ứng thời gian qua chỉ như “muối bỏ biển”.
 
 
8.580 căn hộ phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động thành hiện thực thì vẫn như “muối bỏ biển” so với nhu cầu thực tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Nhu cầu “an cư lạc nghiệp” còn xa vời
 
Anh Lê Anh Đạt, quê Quảng Trị vào Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống đến nay được hơn 13 năm. Hiện, anh đang làm quản lý xưởng định hình Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân A2. Là người chịu khó và tu chí, khởi đầu là công nhân anh Đạt được cất nhắc lên quản lý với mức lương từ 14-15 triệu đồng/tháng. Hơn 13 năm xa quê cũng là từng ấy năm anh phải thuê nhà trọ. Với mức lương này, anh Đạt tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống sinh hoạt. Để giảm chi phí thuê nhà, anh ở chung phòng với 2 người bạn, với số tiền thuê 1,6 triệu đồng/tháng chia cho ba người. Ấy thế nhưng riêng tiền ăn của bản thân anh và tiền trọ một tháng ít nhất cũng hết 5 triệu đồng. Từ khi vợ anh đi xuất khẩu lao động, 2 con nhỏ phải gửi về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Hàng tháng, anh Đạt gửi tiền về quê cho ông bà để lo tiền học và tiền ăn cho các cháu cũng hết từ 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí khác…
 
Anh tâm sự, một tháng chắt chiu lắm mới để dành ra được 3 triệu đồng. Anh ấp ủ mua một căn nhà để an cư lạc nghiệp trên mảnh đất này, nhưng lực bất tòng tâm. Anh cũng đã tìm hiểu các chung cư ở Phú Mỹ nhưng giá một căn hộ ở đây hơn một tỷ đồng, không thể với tới. “Em rất mong có nhà ở xã hội giá rẻ để người lao động như chúng em có cơ hội mua được nhà”, anh Đạt chia sẻ.
 
Không được như anh Đạt, vợ chồng anh Trần Ngọc Xuân Nguyên và chị Nguyễn Thị Dương cuộc sống còn eo hẹp hơn. Cả hai vợ chồng quê ở miền Trung vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm công nhân tại KCN Mỹ Xuân A2 được 8 năm. Lương của anh Nguyên được 9 triệu đồng/tháng còn chị Dương được 7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, anh chị phải trang trải tiền nhà trọ, điện, nước hàng tháng hết 2 triệu đồng; tiền ăn hết 6 triệu đồng, tiền gửi trẻ hết 2 triệu đồng. Các chi phí khác hết khoảng 2 triệu đồng. Nếu chắt chiu lắm một tháng vợ chồng anh để ra được 5 triệu đồng thì 10 năm nữa anh chị cũng chưa mua nổi một căn nhà với mức giá hiện nay. Giống như anh Đạt, anh Nguyên cũng mong sao có chính sách nhà ở xã hội giá rẻ để những công nhân lao động như anh có cơ hội sở hữu một căn nhà để yên tâm làm việc, chăm lo cho con cái.
 
 
Phòng trọ, dãy trọ nơi những người công nhân mơ về nơi an cư của mình đàng hoàng hơn, sạch đẹp hơn.
 
Nhu cầu lớn về nhà ở xã hội
 
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 KCN với tổng số khoảng 64.400 công nhân lao động. 6 CCN đang hoạt động với tổng số khoảng 7.000 công nhân lao động.
 
Để đảm bảo chỗ ở ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, ngay từ năm 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp bằng nguồn vốn ngân sách. Mục tiêu chương trình “đến năm 2020 đầu tư 16 dự án nhà ở xã hội với 5.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng”.
 
Tuy nhiên thực tế đến nay, toàn tỉnh mới hoàn thành 7/16 dự án với 1.423 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư 4.000 căn hộ thì đến nay cũng chỉ có 2 dự án hoàn thành với 176 căn, tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng.
 
Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nguồn huy động ngoài ngân sách, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án nhà ở công nhân với quy mô khoảng 40ha, tương ứng khoảng 120 nghìn m2 sàn xây dựng, đã bố trí 1.722 căn hộ, phục vụ cho hơn 5.000 lao động.
 
Hiện nay, tỉnh có 11 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, dự kiến sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 429 nghìn m2 sàn với quy mô khoảng hơn 18ha, bố trí khoảng 8.580 căn hộ phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động (tập trung chủ yếu tại thị xã Phú Mỹ).
 
Tuy nhiên, con số trên mới chỉ như “muối bỏ biển” so với nhu cầu của công nhân lao động. Hầu hết số công nhân lao động (chủ yếu là ngoài tỉnh) phải thuê phòng trọ. Hiện có hơn 60 nghìn phòng trọ do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng cho công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, CCN thuê ở.
 
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc họp với cơ quan liên quan để rà soát kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh đến năm 2030. Tại cuộc họp, Sở Xây dựng đã chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thời gian qua chưa đạt như: Các sở, ngành, địa phương chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các chỉ tiêu phát triển nhà ở trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa kịp thời đề xuất hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách…
 
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Tạ Quốc Trung cho biết, qua rà soát, thống kê nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 từ các địa phương trong tỉnh, tổng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 57.900 người.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh khẳng định, phát triển nhà ở xã hội là kế hoạch lớn, rất quan trọng của tỉnh trong thời gian tới, có tác động đến tất cả các kế hoạch, mục tiêu phát triển của địa phương. Việc đảm bảo đủ nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân sẽ tạo ra một nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Ông Nguyễn Công Vinh yêu cầu trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tỉnh đến năm 2030 cần làm rõ quỹ đất thực hiện, xác định nguồn lực, cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia, có lộ trình cụ thể...; đồng thời, phải bổ sung trong quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai.
 
Trước đó, chủ trì buổi đối thoại với đại diện đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông chỉ đạo sở, ngành, địa phương khi xét mua nhà ở xã hội cần đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, vừa qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đăng ký cấp phép đầu tư, triển khai kế hoạch đầu tư trong năm 2023, trong đó dự kiến xây dựng 10 nghìn căn hộ tại KCN Phú Mỹ 3, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, có thiết chế đầy đủ như khu đô thị. Nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư trong KCN Phú Mỹ 3. Ông Đặng Minh Thông đề nghị các sở, ngành, Ban Quản lý các KCN, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan phải hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.
 
Đại diện Sở Xây dựng cho hay, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những chính sách kịp thời để thu hút nguồn lực xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Trước mắt sẽ đẩy mạnh triển khai những dự án đã có đất sạch.