• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 3:51:25 SA - Mở cửa
Thái Nguyên: Khi nào mới có nhà ở xã hội bán cho người thu nhập thấp?
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 15/03/2023 7:35:52 SA
Nhìn một cách tổng thể, nguồn cung về nhà ở xã hội ở Thái Nguyên còn rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp có sản phẩm đưa vào thị trường. Trong khi một số dự án nhà ở xã hội trước đó đã được chuyển thành nhà ở thương mại.
 
 
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 khu công nghiệp tập trung và hơn 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số công nhân đang làm việc là hơn 101.000 người; trong đó, hơn 90.800 người là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Sự phát triển mạnh về công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh, điều kiện kinh tế, hệ thống đô thị phát triển đã tạo ra luồng di cư từ các địa phương khác và dịch cư từ khu vực nông thôn tới khu vực đô thị trên địa bàn kéo theo nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội.
 
Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng thể, nguồn cung về nhà ở xã hội ở Thái Nguyên còn rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp có sản phẩm đưa vào thị trường.
 
Riêng về nhà ở cho công nhân, hiện nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh đã phát triển được hơn 4.600 căn hộ, tương đương với trên 241.000 m2 sàn nhà ở xã hội cho công nhân nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu...
 
Theo Sở Xây dựng Thái Nguyên, hiện đa số chủ đầu tư của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã thực hiện nghiêm túc quy định bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc thu từ tiền sử dụng đất đối với 20% quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội ở các dự án có quy mô dưới 10ha chưa được hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan...
 
Trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án nhà ở xã hội để vay tiền ngân hàng, người mua không thể vay tiền ngân hàng thương mại bằng thế chấp chính căn nhà muốn mua; đồng thời, người mua nhà ở xã hội thường không có thế chấp nào khác nên họ khó tiếp cận được các khoản vay.
 
Về đầu tư nhà ở xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp, do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, mặt khác gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp.
 
Do vậy, việc kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài vướng mắc về thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư do quy định của pháp luật về lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể, quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp nên việc thực hiện mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.
 
Qua khảo sát, tổng số đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 37.000 người, bao gồm 16.000 công nhân tại các khu công nghiệp và 21.000 người thuộc các nhóm đối tượng khác có điều kiện thu nhập thấp. Với mức diện tích nhà ở xã hội tối thiểu là 25m2 thì tổng nhu cầu về nhà ở xã hội trong giai đoạn này là khoảng 925.000m2 sàn và tổng số khoảng 13.214 căn hộ.
 
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã đề xuất với tỉnh một số giải pháp như: tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ của Chính phủ đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp mua, thuê mua nhà ở xã hội; đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua; bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp; tăng cường hoạt động bảo lãnh tín dụng từ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội...
 
Vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân cũng là chủ đề "nóng" tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên với công nhân, viên chức người lao động được tổ chức vào sáng 24/5/2022. Trong số 114 ý kiến gửi tới Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, nhiều trong số đó đề cập tới nhu cầu nhà ở.
 
Anh Đào Sỹ Linh đại diện cho công nhân Công ty Hansol Electronics Việt Nam cho rằng, với thu nhập thấp như hiện nay người lao động gần như không có điều kiện mua nhà ở. Anh Linh đặt câu hỏi: "Tỉnh Thái Nguyên có phương án hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp không?".
 
Trao đổi về nội dung trên, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện toàn tỉnh đang có khoảng gần 50 vị trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khu đô thị và đã được phê duyệt phương án, chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Tuy nhiên, theo ông Hùng, vấn đề đầu tư xây dựng được thì rất nan giải, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thì hạn chế. Trong khi đó giá rẻ thì quản lý ra sao, bởi đầu tư công mà quản trị công thì không có bộ máy, còn đầu tư công mà quản trị tư thì không có cơ chế.
 
Ngày 26/06/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vị trí, khu vực, số lượng và diện tích sử dụng đất trong Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 của tỉnh. Theo đó, tỉnh quyết định tăng hàng chục dự án nhà ở so với quyết định trước đó. Cụ thể, theo quyết định này, vị trí, khu vực, số lượng dự án khu nhà ở, khu đô thị dự kiến thực hiện năm 2022 là 279 dự án, tổng diện tích đất trên 7.200ha. Trong đó, vị trí, khu vực, số lượng dự án nhà ở xã hội dự kiến là 16 dự án, tổng diện tích đất gần 115ha; vị trí, khu vực, số lượng dự án khu nhà ở tái định cư dự kiến là 19 dự án, với tổng diện tích đất gần 202ha.
 
Cũng theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, số lượng các dự án dự kiến sẽ tăng là 17 dự án, đồng thời diện tích đất cho các dự án nhà ở xã hội, dự án khu nhà ở tái định cư tăng thêm trên 48 ha. Riêng nhà ở xã hội và khu tái định cư sẽ tăng 1 dự án ở thành phố Thái Nguyên, 5 dự án ở hai huyện Phú Bình và Đại Từ.
 
Tuy vậy, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới có 3 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định gồm: Dự án Khu nhà ở công nhân - nhà ở xã hội phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên; dự án nhà ở xã hội Green House và Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên. Tổng quy mô sử dụng đất của các dự án là 14,29ha, gồm 1.456 căn nhà với tổng diện tích sàn xây dựng là trên 81.000m2, còn lại vẫn còn đang nằm “trên giấy”.
 
Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội trước đó đã được chuyển thành nhà ở thương mại như Dự án chung cư của TNG Village do Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG làm chủ đầu tư… hoặc như dự án mang tên Nhà ở xã hội - chung cư Đại Nam ở phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên lại rơi vào cảnh sai phạm dừng thi công hơn 4 năm nay chờ bản kết luận thanh tra…
 
Vì thế, theo nhiều người trong giai đoạn trước mắt, khi chưa có cơ chế thật sự mang tính đột phá, nhà ở xã hội ở Thái Nguyên vẫn sẽ còn là “giấc mơ”.
 

Cổ phiếu liên quan