Vào ngày 16/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và người đại diện số tiền trị giá 3,7 tỷ đồng với tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Nhãn hiệu "Bia SAIGON" được sử dụng rộng rãi trên thực tế của SABECO
Tóm lược sự việc, ông Lê Đình Trung là nhân viên lâu năm tại Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Sau khi nghỉ việc tại SABECO, tháng 5/2019, ông Trung thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.
Tháng 7/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu kết hợp hình và chữ: “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng hình con rồng” lên Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn đăng ký nhãn hiệu này đã được chấp nhận vì đúng hình thức. Tuy chưa nhận được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, ông Trung đã sử dụng nhãn hiệu này để sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tháng 4/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã ký hợp đồng sản xuất với cơ sở sản xuất Bia Biva. Đến ngày 23/6/2020, vào lần giao nhận hàng thứ ba theo hợp đồng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện và xử lý. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) đã chuyển sang cho cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án. Vụ án sau đó được Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thụ lý xét xử hình sự sơ thẩm.
Sau nhiều lần mở và hoãn phiên tòa sơ thẩm, ngày 16/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung tổng số tiền trị giá 3,7 tỷ đồng với tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên một pháp nhân thương mại Việt Nam bị truy tố và xét xử về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên những quy định về nhãn hiệu nổi tiếng được viện dẫn trong một phiên tòa về sở hữu trí tuệ. Bên lề vụ việc, nhiều chuyên gia pháp lý trong nước đã có những tranh luận phản ánh các góc nhìn khác nhau về vấn đề nhãn hiệu nổi tiếng - một vấn đề đã được Luật sở hữu trí tuệ quy định từ 2005 nhưng đến nay vẫn rất ít được áp dụng trong thực tế.
Tại sao đặt vấn đề “BIA SAIGON” là nhãn hiệu nổi tiếng?
Dựa trên các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu mà không cần thủ tục đăng ký. Hay nói cách khác, sự nổi tiếng của nhãn hiệu có được do thực tế sử dụng, sự công nhận của thị trường và người tiêu dùng.
Nhìn ở góc độ thực tế, có thể dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của nhãn hiệu “BIA SAIGON” tại bất kỳ đâu trên toàn lãnh thổ Việt Nam bởi thương hiệu này có độ phủ thị trường rất lớn với mạng lưới đại lý, cửa hàng, đối tác hoạt động đã được xây dựng qua hàng chục năm liên tục. Phải chăng đây chính là lý do mà nhãn hiệu này trở thành mục tiêu của hành vi xâm phạm quyền?
Các cơ quan chuyên môn như Cục Sở hữu trí tuệ cũng như Viện khoa học Sở hữu trí tuệ không phủ nhận “BIA SAIGON” là nhãn hiệu nổi tiếng mà đều chung quan điểm rằng đủ điều kiện để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng. Các quan điểm này dựa trên việc xem xét các hồ sơ, tài liệu mà SABECO đã cung cấp cho tòa án để chứng minh quyền của mình. Từ góc độ của người phạm tội, bị cáo Trung - người trực tiếp chủ mưu và thực hiện hành vi xâm phạm, cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật trước tòa.
Người bị hại, SABECO là một công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn chứng khoán, với sự tham gia của các nhà quản trị hàng đầu trong nước và quốc tế. Trong vụ án này, SABECO có quyền và đồng thời cũng có nghĩa vụ phải chứng minh rằng quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng “BIA SAIGON” đã được xác lập trên thực tế, thông qua quá trình sử dụng lâu dài và liên tục trên thị trường trong nước và quốc tế, thông qua những con số kỷ lục về chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiếp thị, thông qua những giải thưởng trong nước và quốc tế, thông qua những đóng góp cho ngân sách, đóng góp cho cộng đồng và chắc chắn là thông qua tập tài sản trí tuệ rất lớn mà SABECO đã dày công tạo lập và bảo vệ.
Theo dõi và bình luận vụ việc, một số chuyên gia cho rằng SABCECO chỉ cần dựa trên các văn bằng bảo hộ là có thể xử lý được hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mà không cần viện dẫn đến quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng để khỏi phải chứng minh phức tạp. Một số chuyên gia khác lại nhìn nhận rằng đối với nhãn hiệu “BIA SAIGON” nếu chỉ viện dẫn quyền được xác lập dựa trên các văn bằng bảo hộ mà không đề cập tới quyền được xác lập đối với nhãn hiệu nổi tiếng là làm mất quyền hợp pháp của SABECO.
Quan điểm thứ hai xuất phát từ việc tôn trọng sự thật khách quan là nhãn hiệu đã nổi tiếng trên thực tế và nhận định rằng các hành vi cố ý giả mạo nhãn hiệu thường chỉ phát sinh từ chủ ý “khai thác” tính phổ biến rộng rãi của các nhãn hiệu đã đạt được sự nổi tiếng trên thị trường để trục lợi. Ít có khả năng các chủ thể của hành vi vi phạm có thể chấp nhận rủi ro pháp lý để xâm phạm một nhãn hiệu bình thường, không nhiều người biết đến để kinh doanh. Do vậy, trong vụ án nêu trên, việc tòa án và các bên liên quan đặt ra vấn đề xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng là phản ánh đúng bản chất của vụ việc và của hành vi vi phạm.
Vụ án đã được xét xử và một bản án được cho là mang tính răn đe đã được tuyên. Ngoài các vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đặt ra nhiều trao đổi và tranh luận của giới chuyên môn như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng... nhiều vấn đề khác cũng đang được công chúng, giới chuyên môn, các nhà quản lý xã hội và quản trị doanh nghiệp quan tâm và đặt câu hỏi như tại sao bị cáo Lê Đình Trung và các cổ đông sáng lập không lựa chọn một cái tên khác để đặt tên cho doanh nghiệp của mình mà cứ phải sử dụng tên có thành phần “Bia Sài Gòn”? Liệu hành vi đặt tên và sử dụng tên doanh nghiệp như tên của bị cáo là pháp nhân thương mại (Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam) có vi phạm pháp luật và xâm phạm tới nhãn hiệu “BIA SAIGON” hay không?