Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 23/3, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã được thu hẹp trong quý IV/2022 nhờ thặng dư dịch vụ gia tăng.
Trong quý IV/2022, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, thước đo xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đã giảm 5,6% xuống còn 206,8 tỷ USD, chiếm 3,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm so với mức 3,4% của quý trước đó và là mức thấp nhất kể từ quý II/2020.
Tuy nhiên, trong cả năm 2022, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã tăng cao lên mức 943,8 tỷ USD, tăng từ 846,4 tỷ USD của năm 2021. Mức thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2022 của Mỹ chiếm 3,7% GDP, tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2008 và tăng từ mức 3,6% của năm 2021.
Mỹ hiện là nước xuất khẩu ròng dầu thô và nhiên liệu. Trong quý IV/2022, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ giảm 31,1 tỷ USD xuống còn 514,9 tỷ USD, do xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và vàng phi tiền tệ giảm.
Nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 28,0 tỷ USD xuống còn 787,2 tỷ USD, phản ánh sự sụt giảm trong nhập khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp, chủ yếu là các sản phẩm dầu mỏ và hàng tiêu dùng như điện thoại di động, may mặc, giày dép và đồ gia dụng.
Nhập khẩu chậm lại do các doanh nghiệp Mỹ đánh giá nhu cầu trong nước đang hạ nhiệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Thâm hụt thương mại nhỏ hơn đã giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng ba quý liên tiếp.
Trong khi đó, xuất khẩu dịch vụ tăng 6,1 tỷ USD lên mức 242,8 tỷ USD, nhờ vào sự gia tăng du lịch cá nhân, dịch vụ tài chính trung gian, thẻ tín dụng và các dịch vụ liên quan đến tín dụng khác, cũng như vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, nhập khẩu dịch vụ cũng tăng 1,1 tỷ USD lên mức 175,5 tỷ USD do sự sụt giảm trong vận tải hàng hóa đường biển./.