Trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do thiếu đơn hàng. Các doanh nghiệp mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, giãn và hoãn nợ đến hạn, giảm thuế, tiền thuê đất…
TS. Nguyễn Đình Cung: Tăng giá điện là bắt buộc nhưng tránh tạo cú sốc quá lớn cho doanh nghiệp
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm nay lên tới 50,4 nghìn DN, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 25,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp ‘ngủ đông’ vì thiếu đơn hàng
Chia sẻ khó khăn mà các DN trong ngành chế biến chế tạo – động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đang gặp phải, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam, cho hay các DN đang gặp khó khăn về đơn hàng, có những DN lo lắng phải “ngủ đông” đến quý III.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường.
Trước tình cảnh như vậy, các DN mong muốn có những “bệ đỡ” chính sách hợp lý như vay vốn với lãi suất hợp lý, dùng tài sản thế chấp là máy móc thiết bị thay vì bất động sản để vay vốn ngân hàng…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), DN thiếu đơn hàng phải thu hẹp quy mô sản xuất, đồng nghĩa người lao động giảm thu nhập, mất việc làm.
“Chúng tôi mong muốn những lĩnh vực sản xuất gắn liền với nông dân, ngư dân thì cần tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”, ông Nam nói. Đồng thời đánh giá, thời gian qua, dù Ngân hàng Nhà nước có những nỗ lực để hỗ trợ nhưng thực tế là các DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng đầu năm nay giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%. Thêm vào đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đều giảm, lần lượt là giảm 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số đáng lưu ý.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quan ngại, thị trường, DN bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN năm 2023 lớn.
“Đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư. Làm sao tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau”, ông Dũng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, trong đó xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí, sớm hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhìn thẳng để có giải pháp phù hợp
Kết quả khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2/2023 của Hiệp hội DN TP.HCM cũng cho thấy, 83% DN đang gặp khó khăn. Trong đó, các khó khăn chủ yếu là thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%)….
Đáng lo ngại, về lực lượng lao động, theo khảo sát, số DN lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan quản lý cần cần nhìn thẳng sự thật là DN đang rất khó khăn. Thông thường sau Tết Nguyên đán, nền kinh tế và DN sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, kinh tế khó khăn, sự hồi phục chậm trễ và số DN phá sản, thu hẹp hoạt động chiếm tỷ lệ cao.
Trước thực tế trên, ông Cung cho rằng cần tiếp tục miễn giảm thuế cho DN, có tác dụng ngay và đúng quan điểm Chính phủ đồng hành cùng DN.
Nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý, hàng chục năm trước, chúng ta đã nhìn thẳng sự thật, đối diện với sự thật và đánh giá đúng sự thật nên tìm ra những giải pháp phù hợp. Chính vì vậy, bây giờ phải xác định lại vấn đề này, không đánh giá quá lạc quan, cũng không nên quá bi quan, phải đánh giá đúng để tìm cho được giải pháp đúng, trúng.
“Nhiều DN thu hẹp quy mô, mất hợp đồng, người lao động mất việc làm. Đồng thời, DN đang khó khăn về vốn mà chúng ta không đánh giá đúng thì họ sẽ mất niềm tin”, ông Cung nói.
Nguyên Viện trưởng CIEM một lần nữa nhấn mạnh, nếu chúng ta vẫn cứ đánh giá bức tranh “tô màu hồng”, nhận định hoạt động là bình thường, là tốt thì chắc chắn khó đưa ra được những chính sách, biện pháp tốt hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp DN vượt khó, không có biện pháp an sinh cho người lao động.
“Trong bối cảnh này, càng tăng thu bao nhiêu thì có gì đó nghịch lý bấy nhiêu vì đó là tiền của của DN, của người dân, không nên có tư duy chính sách ngược chiều với thực tế như vậy”, ông Cung lưu ý.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ DN, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công. Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn vay...