Ban Chỉ đạo xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) cho biết: Tiến độ nhiều dự án nguồn và lưới điện trọng điểm đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Tại phiên họp mới đây, theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Chiến lược phát triển EVN), Ban Chỉ đạo đang theo dõi tiến độ 88 dự án nguồn và lưới điện. Cụ thể số lượng các dự án như sau: Ban QLDA Điện 1 có 7 dự án, Ban QLDA Điện 2 có 9 dự án, Ban QLDA Điện 3 có 4 dự án, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có 52 dự án; còn lại 16 dự án của các Tổng công ty Điện lực (miền Bắc, miền Nam, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).
Trong quá trình triển khai các dự án gặp rất nhiều vướng mắc như: Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được phê duyệt nên EVN chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo của hai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2; một số dự án lưới điện truyền tải còn vướng mắc về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng,..
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án lưới điện truyền tải, phân phối do EVN và các đơn vị thành viên của EVN làm chủ đầu tư đều phải đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nên phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Dự án đường dây truyền tải, phân phối có phạm vi trải dài trên địa bàn 2 tỉnh trở lên sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (theo khoản 3, Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020), mà không phân biệt nhóm dự án (không phân biệt giá trị lớn, nhỏ). Vấn đề này cũng dẫn đến kéo dài thủ tục đầu tư dự án.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi đơn giá ban hành của nhà nước chưa theo kịp thực tế, nên một số gói thầu phải thực hiện xử lý tình huống hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu.
Tại phiên họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiến nghị và được thống nhất sẽ đưa một số dự án ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo. Một trong những lý do là những dự án này (lưới điện) không còn cấp thiết, căn cứ theo thực tế hiện trạng hệ thống điện; hoặc một số dự án lưới điện truyền tải vướng mắc kéo dài về thủ tục bổ sung điều chỉnh quy hoạch điện.
Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương nhập khẩu và bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện phục vụ đấu nối và nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam; cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc về việc huy động vốn để thực hiện các công trình trọng điểm.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị trong EVN cũng báo cáo những khó khăn, vướng mắc chính trong triển khai dự án và đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các thành viên để hoàn thiện báo cáo. EVN sẽ báo cáo lên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực và kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc.
Chủ tịch HĐTV EVN đề nghị các đơn vị của EVN đặc biệt là EVNNPT, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại các dự án, công trình đầu tư về tính đồng bộ, hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp cho những dự án, công trình vướng mắc về thủ tục đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng...
Chủ tịch HĐTV EVN cũng chỉ đạo Tập đoàn hoàn thiện báo cáo cung cầu điện từ nay đến năm 2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các đơn vị của EVN, trong quá trình triển khai các dự án, công trình, cần báo cáo kịp thời đến tập đoàn để tập đoàn xem xét giải quyết hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền về những vấn đề khó khăn, vướng mắc./.