Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hoá, 3 tháng đầu năm 2023, tỉnh này đã thu hút được 14 Dự án đầu tư trực tiếp gồm 13 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.738 tỷ đồng và 1 triệu USD.
Trong đó, các dự án thu hút có một số dự án tổng số vốn đăng ký lớn như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4 (Nghi Sơn) với vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại Nghi Sơn có vốn đăng ký 1.098,5 tỷ đồng; Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (Bá Thước) có vốn đăng ký 322,1 tỷ đồng...
Chuyên trang xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá
Cũng trong quý I/2023, tỉnh Thanh Hoá đã điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 42 triệu USD. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác, nhà đầu tư như Công ty TNHH Năng lượng JERA Việt Nam; Đoàn công tác Tổng công ty LH (Hàn Quốc) ; Đoàn công tác Đại sứ quán Israel tại Việt Nam…
Trong giai đoạn 2022 - 2025, Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 03 - 06 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa.
Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trong thời gian tới UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án: Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025; Đề án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021 – 2025.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa vừa khởi động đề án giải phóng mặt bằng trong Khu kinh tế Nghi Sơn với kinh phí hơn 11.300 tỉ đồng nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển. Đây là quyết định mang tính đột phá chiến lược, được xem như “cuộc cách mạng về hạ tầng” nhằm củng cố vị trí dẫn đầu tại khu vực miền Trung về thu hút FDI của tỉnh này.
Tỉnh Thanh Hoá luôn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo giải phóng mặt bằng; giải quyết vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn cho các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và một số dự án trọng điểm, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và tạo lực hút đầu tư. Nhờ đó, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.