Khó khăn trong hệ thống ngân hàng sẽ kéo nền kinh tế vào suy thoái trong năm nay, theo nội dung biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trong phiên họp tháng trước, các thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) dành nhiều thời gian thảo luận về những hệ lụy kinh tế có thể xảy ra sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ.
Dù Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Michael Barr cho biết hệ thống ngân hàng “an toàn và có sức chống chịu tốt”, các thành viên vẫn tỏ ra quan ngại.
“Dựa trên những đánh giá chi tiết liên quan tới tác động kinh tế từ diễn biến bất lợi thời gian qua trong hệ thống ngân hàng, các thành viên dự báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay và mất tới hai năm để phục hồi”, nội dung báo cáo cho biết.
Cụ thể, các thành viên FOMC dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ 0,4% cho cả năm 2023. Theo kết quả dự báo của Fed Atlanta, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này tăng 2,2% trong quý I/2023. Điều đó đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần trong các quý tới.
Dự báo suy thoái làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục khẳng định nhu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nhằm sớm đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu.
Điều đó được thể hiện qua quyết định tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp trong vòng một năm qua, đưa lãi suất quỹ liên bang lên ngưỡng 4,75-5%, cao nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Quyết định tăng lãi suất được đưa ra sau khi SVB, định chế tài chính lớn thứ 17 tại Mỹ, sụp đổ trước làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi tiền. Sự sụp đổ của SVB, bên cạnh đó là Silvergate và Signature Bank, buộc Fed phải ngay lập tức vận hành đồng thời một số cơ chế cho vay ưu đãi nhằm đảm bảo các ngân hàng trong hệ thống có đủ thanh khoản để hoạt động bình thường.
Theo nội dung biên bản, các chương trình khẩn cấp nói trên giúp ổn định hoạt động hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các thành viên nhận định hoạt động cho vay và điều kiện tín dụng sẽ bị thắt chặt hơn trong tương lai.
Vì lý do đó, các thành viên tham gia phiên họp gia tăng quan ngại về triển vọng nền kinh tế trong thời gian tới. Một số thành viên thậm chí đề xuất phương án dừng tăng lãi suất và đợi thêm những tín hiệu mới từ cuộc khủng hoảng. Nhưng cuối cùng, tất cả các thành viên vẫn thống nhất tăng lãi suất 0,25% “vì những dữ liệu kinh tế mạnh thời gian qua và cam kết đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%”. Trên thực tế, một số thành viên đã tính tới phương án tăng lãi suất 0,5% trước khi khủng hoảng ngân hàng nổ ra.
Điểm sáng duy nhất tới từ lạm phát với diễn biến đúng theo mong muốn của Fed. Các quan chức dự báo áp lực giá cả tiếp tục suy giảm thời gian tới. Gần đây nhất, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tiếp tục suy yếu xuống ngưỡng thấp nhất gần hai năm.
GÃ ĐẦU TƯ - Nguồn: CNBC