Nhà nghiên cứu thị trường Fitch (Fitch Solutions) dự báo tăng trưởng tín dụng ở Malaysia sẽ giảm nhẹ xuống 4,3% trong năm 2023 nay.
Nhà nghiên cứu thị trường Fitch (Fitch Solutions) dự báo tăng trưởng tín dụng ở Malaysia sẽ giảm nhẹ xuống 4,3% trong năm 2023 nay, từ mức 4,5% của năm 2022, do triển vọng kinh tế yếu hơn và chi phí đi vay cao hơn.
Trong một báo cáo nghiên cứu vừa công bố, Fitch cho rằng về tổng thể, các ngân hàng Malaysia có thể sẽ duy trì nền tảng ổn định bất chấp tác động lan tỏa tiêu cực tiềm ẩn từ căng thẳng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, do khả năng thanh khoản và bộ đệm vốn mạnh mẽ, cũng như môi trường tiền tệ ít hạn chế hơn nhiều. Chất lượng tài sản cũng vẫn khá ổn định mặc dù các biện pháp hỗ trợ đã được loại bỏ dần và dự kiến sẽ không có sự suy giảm đáng kể trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, chu kỳ tăng lãi suất ở Malaysia cũng diễn ra từ từ và tăng nhẹ hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới, do lạm phát đã dịu hơn và lãi suất dự kiến sẽ sớm đạt đỉnh.
Fitch lưu ý các ngân hàng Malaysia cũng có vốn hóa tốt với tỷ lệ vốn tổng hợp của hệ thống ngân hàng ở mức 18,5% vào tháng 2/2023, so với mức trung bình 18,3% vào năm 2022. Mức này cao hơn đáng kể so với mức tối thiểu theo quy định là 10,5% (8,0% tổng tỷ lệ vốn và 2,5% bộ đệm bảo toàn vốn), dẫn đến một bộ đệm vốn vượt quá 135 tỷ ringgit (RM).
Báo cáo cho biết, tỷ lệ vốn chủ sở hữu phổ thông cấp 1 (CET1) và vốn cấp 1 cũng lần lượt ở mức 14,8% và 15,3% vào tháng Hai, so với yêu cầu của Hiệp ước quốc tế về vốn Basel III là 4,5% và 6,0%.
Fitch cho biết, phạm vi thanh khoản mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi sẽ tiếp tục củng cố sự ổn định tài chính trong nước. Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ bao phủ thanh khoản đã tăng lên 152,7% vào tháng 11/2022, so với mức 147,1% vào tháng 1/2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu là 100%, nghĩa là mức an toàn cao hơn. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tương đối ổn định, nằm trong khoảng 85-90% kể từ năm 2014, với con số mới nhất là 86,4%”, báo cáo cho biết thêm./.