• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
02 Tháng Mười Hai 2024 1:27:48 SA - Mở cửa
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040: Xây dựng một thành phố hội tụ - kết nối - phát triển - giàu bản sắc
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa | 22/04/2023 3:15:00 CH
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 17-3-2023, phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Trong đó, định hướng phát triển đô thị Thanh Hóa gồm các hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng để phát huy vai trò, vị thế của tỉnh Thanh Hóa là một “cực tăng trưởng mới”, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc, là trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào. Để phân tích rõ hơn về quy hoạch này với những nét mới, đặc trưng nổi bật, Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Thanh Hóa.
 
 
Theo nội dung được phê duyệt, phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn với tổng diện tích khoảng 22.821 ha.
 
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch đô thị nói chung và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 nói riêng?
 
Ông Phan Lê Quang: Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa một cách bài bản, bền vững. Tuy nhiên, quy hoạch là một quá trình với những hoạch định - dự báo - tầm nhìn - tổ chức thực hiện. Nếu dự báo đúng thì lộ trình thực hiện sẽ thuận lợi và ngược lại, giống như đoàn tàu đi lệch đường ray, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt.
 
Vì lẽ đó, trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo của địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, từng bước bảo đảm việc quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng văn minh, hiện đại, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Là một tỉnh lớn, hệ thống đô thị của Thanh Hóa đã được Chính phủ định hướng tại Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
TP Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ 3 lần phê duyệt quy hoạch chung vào các năm 1999 (Quyết định số 140/1999/QĐ-TTg), năm 2009 (Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg), năm 2023 (Quyết định số 259/2023/QĐ-TTg). Mỗi lần quy hoạch là một dấu ấn về sự phát triển của thành phố, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
 
Quy hoạch lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai. Đây cũng là quy hoạch thành phố trực thuộc tỉnh đầu tiên thuộc khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và là thành phố trực thuộc tỉnh thứ 3 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch từ sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 thực hiện.
 
PV: Với tầm quan trọng đó, bản quy hoạch lần này có đặc trưng gì nổi bật, thưa ông?
 
Ông Phan Lê Quang: Trước hết, phải nhận thấy rằng, đây là một bản quy hoạch tích hợp, vừa tinh gọn nhưng cũng thể hiện chiều sâu, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lần này có nhiều nét mới, nổi bật trên các phương diện: không gian phát triển, mô hình, cấu trúc phát triển, phương pháp quy hoạch.
 
Về không gian phát triển: Bên cạnh việc kế thừa định hướng trước đây về “Thành phố 2 bên sông Mã” và phát triển về phía Đông hình thành “liên đô thị TP Thanh Hóa - Sầm Sơn”, quy hoạch lần này tiếp tục mở rộng kết nối với vùng ven biển Quảng Xương, Hoằng Hóa; đồng thời hình thành các trục phát triển về hướng Tây, nhằm kết nối với đường bộ cao tốc Bắc – Nam và toàn bộ vùng đồng bằng, miền núi phía Tây của tỉnh. Từ đó, hình thành không gian đô thị tập trung, lan tỏa, kết nối với ý tưởng chủ đạo là: “tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (vịnh Bắc Bộ)”, đưa đô thị Thanh Hóa thực sự trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, đô thị kết nối vùng Bắc Trung bộ và vùng nam đồng bằng sông Hồng.
 
Về mô hình, cấu trúc phát triển: Quy hoạch lần này thay đổi mô hình, cấu trúc “vành đai - xuyên tâm” chỉ phù hợp với các đô thị nhỏ và vừa sang mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm” - tập trung, đa tâm; hình thành khung cấu trúc “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên” hướng tới một đô thị lớn phát triển thông minh, bền vững.
 
Về phương pháp quy hoạch: Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 lần này được lập cùng lúc với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nên được tích hợp các yếu tố kinh tế - xã hội của tỉnh trong quy hoạch đô thị trung tâm tỉnh lỵ, làm nên một bản quy hoạch khả thi và sống động hơn so với các lần quy hoạch trước. Trong quy hoạch không gian đô thị đã tính toán dự báo về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân trong kỷ nguyên số, kinh tế số, từ đó tập trung mạnh trong việc bố trí các không gian công cộng và hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại là nền tảng để xây dựng đô thị xanh, thông minh. Đồng thời cơ sở dữ liệu quy hoạch cũng được GIS hóa để quản lý quy hoạch trên nền hệ thống thông tin địa lý.
 
Với yêu cầu về sự phát triển ổn định, các điều chỉnh quy hoạch đô thị luôn kế thừa phần lớn nội dung quy hoạch đã được duyệt, đặc biệt đối với TP Thanh Hóa là ý tưởng thành phố 2 bên sông Mã và hướng liên kết với vùng ven biển tiếp tục được khẳng định và làm rõ nét hơn. Bên cạnh đó, các quy hoạch luôn xác định việc bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất và hệ thống cảnh quan sinh thái đặc sắc gồm các vòng cung đồi núi Hàm Rồng, Núi Đọ, Rừng Thông, An Hoạch, Mật Sơn, Hoàng Nghiêu chạy giữa cảnh quan đồng bằng và mạng lưới sông hồ, mặt nước vốn có của khu vực.
 
Quy hoạch lần này cũng đã rút kinh nghiệm và khắc phục các điểm yếu của 2 lần quy hoạch đô thị trước như: phát triển đô thị dàn trải, thiếu các không gian công cộng và hệ thống cây xanh công viên theo khu vực, hệ thống giao thông xuyên tâm gây ách tắc khi số lượng phương tiện tăng cao, tình trạng ngập lụt cục bộ khi mưa lớn..., từ đó có các giải pháp phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh và sinh thái.
 
PV: Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quy hoạch lần này, đó là sáp nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, với dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 1 triệu người. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hạ tầng công cộng, nhà ở, an sinh xã hội, giá trị kinh tế, việc làm... Những vấn đề này được giải quyết như thế nào, để hướng tới tính bền vững, hiệu quả của quy hoạch, thưa ông?
 
Ông Phan Lê Quang: Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 xác định 3 trục phát triển, 6 trung tâm và 12 khu vực phát triển.
 
Với 3 trục: Chúng ta tiếp tục quan tâm trục Bắc - Nam là trục phát triển truyền thống hình thành nên thành phố từ xưa đến nay, xây dựng hình ảnh bản sắc của thành phố từ Hàm Rồng qua Hạc Thành - xuống Bố Vệ - Quán Nam; đồng thời phát triển các không gian động lực phát triển mới qua các trục Tây Bắc - Đông Nam; trục Tây Nam - Đông Bắc nối các trung tâm mới của đô thị.
 
Với 6 trung tâm tích hợp: Chúng ta chuyển từ mô hình phát triển đô thị “một trung tâm lan tỏa” sang mô hình “đa trung tâm tích hợp” để chuẩn bị cho một đô thị quy mô lớn gấp đôi hiện nay tới 1 triệu dân và còn hơn nữa. Mỗi trung tâm tích hợp được định hướng gắn với một số chức năng thích hợp phù hợp với hướng liên kết xung quanh. Ví dụ, trung tâm phía Tây hướng liên kết vùng huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và vùng phía Tây của tỉnh được quy hoạch với các chức năng công nghiệp, dịch vụ, vận tải, logistics, đầu mối nông lâm sản, để thu hút đầu tư các hạ tầng phát triển kinh tế và đô thị, tạo ra công ăn việc làm, thu hút dân cư đến sinh sống, lao động.
 
Với 12 khu vực phát triển được phân chia trên cơ sở điều kiện, địa hình tự nhiên và gắn với 6 trung tâm tích hợp nhằm phân bổ các khu vực dân cư một cách hợp lý nhằm đảm bảo bố trí hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại, công viên cây xanh...), hạ tầng kỹ thuật (giao thông cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, chất thải rắn...) đảm bảo tiêu chuẩn, phục vụ tốt đời sống người dân đô thị.
 
Song song đó, quy hoạch lần này cũng đã định hướng chi tiết quy hoạch về kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật trên tất cả mọi lĩnh vực như: Hạ tầng dịch vụ thương mại; phát triển công nghiệp; nông, lâm nghiệp, thủy sản; trung tâm hành chính chính trị; nhà ở; cơ sở giáo dục đào tạo; cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cơ sở văn hóa, thể dục thể thao, hạ tầng du lịch...
 
Chính vì vậy, những vấn đề hạ tầng công cộng, nhà ở, an sinh xã hội, giá trị kinh tế, việc làm... khi TP Thanh Hóa trở thành đô thị lớn đã được tính đến và có những giải pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững theo đúng quy hoạch được duyệt.
 
PV: Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đề ra mục tiêu “phát triển đô thị Thanh Hóa thành 1 đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc”. Vậy bản sắc văn hóa mà chúng ta hướng đến là gì, thưa ông?
 
Ông Phan Lê Quang: Quy hoạch lần này được thực hiện trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Do đó, một mặt, đô thị cần khai thác những yếu tố tích cực của hội nhập để hiện đại hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng, đuổi kịp trình độ phát triển chung của thế giới. Mặt khác, chúng ta cần phải gìn giữ, tạo lập, khai thác bản sắc riêng của mình để bảo vệ các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc. Các bản sắc riêng này chính là nguồn nội lực riêng có, tự tạo ra lợi thế cạnh tranh của đô thị trong quá trình phát triển một cách bền vững.
 
TP Thanh Hóa - Đông Sơn nằm tại vùng đất cổ nơi hội tụ sông Mã, sông Chu và vùng Cửa Hới, chứng kiến tất cả quá trình lịch sử của nước Việt Nam từ sơ khai đến hiện đại với đậm đặc các dấu tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, khảo cổ... Do vậy, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đặc biệt chú trọng khai thác khía cạnh này để tạo ra bản sắc riêng cho đô thị; trong đó, đề cập đặc biệt đến việc quy hoạch các khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ và các khu danh thắng, lịch sử như Mật Sơn, Hoàng Nghiêu, Rừng Thông cũng như các di tích khác trong đô thị.
 
PV: Những vấn đề nào sẽ được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tập trung nhất để thực hiện hiệu quả Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, thưa ông?
 
Ông Phan Lê Quang: Quy hoạch đô thị là một căn cứ, chỗ dựa vững chắc về pháp lý để quản lý và định hướng sự phát triển của thành phố. Sau khi thực hiện công bố quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung tổ chức rà soát, lập phủ kín các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở thực hiện các dự án phát triển đô thị. Lập thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho toàn đô thị, cho các tuyến phố, các khu vực đô thị để quản lý kiến trúc và cảnh quan đô thị theo quy hoạch được duyệt.
 
Song song đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức lập chương trình phát triển đô thị căn cứ trên quy hoạch được duyệt; phân công nhiệm vụ cho các cấp, các ngành trong việc triển khai, thực hiện; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư phát triển đô thị. Quản lý hoạt động quy hoạch đô thị; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu số về quy hoạch đô thị; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch đô thị...
 
Với những giải pháp đồng bộ, chúng ta tin tưởng rằng, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 sẽ được thực hiện đảm bảo tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!