• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 1:23:28 SA - Mở cửa
Giải pháp cho tương lai của ngành cao su
Nguồn tin: Báo Hải quan | 26/04/2023 6:50:00 SA
Trong bối cảnh thị trường đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội đan xen, ngành cao su xác định việc phát triển theo hướng bền vững cùng với xây dựng thương hiệu sẽ là 2 trụ cột chính cho sự phát triển trong thời gian tới.
 
 
Hiện nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam" đã được bảo hộ tại 5 thị trường: Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Ảnh: ST
 
Đối mặt nhiều khó khăn
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 381.788 tấn, tương ứng trị giá 531,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu cao su giảm 6,1% về lượng và giảm 25,7% về trị giá, cho thấy sự sụt giảm khá mạnh của giá xuất khẩu cao su trong những tháng đầu năm. Đối với sản phẩm từ cao su, kim ngạch xuất khẩu cũng ghi nhận mức giảm 13,4%, ở mức 238,3 triệu USD.
 
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên ngày càng trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác, do vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản...
 
Trong khi đó, hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ trên cả nước và chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Hiện Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào, nên chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy sơ chế mủ cao su.
 
Ngoài ra, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%. Điều này sẽ khuyến khích DN ưu tiên chọn nguồn nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia... do chất lượng đảm bảo, chủng loại đa dạng, vì vậy, sẽ tạo áp lực cạnh tranh với nguồn cao su trong nước.
 
Công nghiệp chế biến thành phẩm cao su cũng còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả. Hiện vẫn còn thiếu hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước. Phần lớn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm cao su còn phải nhập khẩu nên lệ thuộc vào nguồn cung ở nước ngoài và thuế suất thuế nhập khẩu còn cao làm tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh so với các nước khác. Ngành cao su cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và có kinh nghiệm trong ngành chế biến sản phẩm cao su.
 
Tập trung hai trụ cột chính
 
Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) dự báo mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng bền vững trong dài hạn của ngành cao su phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine và kết quả tăng trưởng thực sự của Trung Quốc trong thời gian tới.
 
Nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tục và sự chênh lệch cung cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su thiên nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành cao su cũng có nhiều thuận lợi khi được Nhà nước công nhận là "cây đa mục tiêu", vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, vừa cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn, đồng thời phủ xanh đất trống, rừng nghèo để góp phần bảo vệ môi trường.
 
Trong bối cảnh đó, để hóa giải những thách thức, ngành cao su xác định việc đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững và tập trung xây dựng thương hiệu ngành là hai trụ cột chính để đáp ứng xu hướng thị trường và yêu cầu của khách hàng quốc tế cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nhiều DN đang nỗ lực đạt các chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng chỉ chuỗi hành trình cho các vườn cây cao su.
 
Điển hình như tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, ông Trương Minh Trung, Phó tổng giám đốc cho biết, tính đến tháng 3/2023, đã có 26 thành viên của tập đoàn hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững với diện tích 274.320 ha; 17 thành viên được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS, PEFC-FM với gần 110.000 ha cao su. Có 31 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên và 2 nhà máy gỗ trong tập đoàn đã đạt chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC). Ngoài ra còn có 1 thành viên đã được đánh giá cấp chứng nhận nguồn có kiểm soát. Trong năm 2022, các công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đã tiêu thụ được 41.500 tấn mủ cao su các loại có chứng chỉ PEFC đến khách hàng.
 
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ là không mở rộng diện tích cao su nên việc tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
 
Do đó, ông Võ Hoàng An cho biết, để tiếp tục phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”, thời gian tới, Hiệp hội cao su Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát định kỳ, gia hạn, cấp mới nhãn hiệu hàng năm; khuyến khích các hội viên tại Lào, Campuchia và khối tư nhân tham gia đăng ký. Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục thực hiện đăng ký bảo hộ tại một số thị trường trọng điểm, đồng thời nghiên cứu và đề xuất các cơ quan bộ, ngành có chính sách hỗ trợ các DN, hội viên đạt nhãn hiệu nhằm củng cố uy tín, nâng cao chất lượng thương hiệu Cao su Việt Nam.
 
Hiệp hội cao su Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, dự án liên quan đến phát triển bền vững theo hướng thuận lợi cho hội viên và ngành cao su. Cùng với đó, thúc đẩy, hỗ trợ hội viên, DN ngành cao su triển khai các phương thức quản lý tiên tiến, kinh doanh tuân thủ thông lệ quốc tế, ứng dụng công nghiệp 4.0, hướng đến phát triển bền vững.