Dù liên tục bị “bêu tên” trong danh sách nợ thuế, dù rơi vào tình cảnh Khả năng trả nợ yếu nhưng Tập đoàn Hoành Sơn vẫn được VietinBank và HDBank nhiều lần cho vay trong năm 2022.
Liên tục nợ thuế, tăng phải trả người lao động
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là một trong những doanh nghiệp nổi bật nhất tỉnh Hà Tĩnh. Công ty góp mặt tại nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Hoành Sơn liên tục được “bêu tên” ở vị trí Quán quân nợ thuế tại Hà Tĩnh.
Mới đây nhất, ngày 20/2, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã công khai danh sách 429 doanh nghiệp nợ thuế kỳ thuế tháng 1/2023. Lần này, Hoành Sơn “rơi xuống” vị trí Á quân với số nợ 110 tỷ đồng, thấp hơn con số 113 tỷ đồng của Quán quân - Công ty cổ phần Bất động sản HANO – VID.
Không chỉ nợ thuế, công ty còn ghi nhận hàng tỷ đồng phải trả người lao động. Ngày17/8/2021, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kết luận số 23/KL-TT về việc Kết luận Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về: Doanh nghiệp, đất đai, đầu tư xây dựng; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn.
Về việc thực hiện quy định của pháp luật đối với người lao động, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu: Hợp đồng lao động cần ghi cụ thể các mục quyền lợi của người lao động về bảo hiểm, mức lương, nhất là các lao động làm việc trên các tàu biển; Xây dựng thang, bảng lương; lập, quản lý và sử dụng sổ quản lý lao động; định kỳ lập báo cáo tình hình sử dụng lao động gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Tuy nhiên, tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu phải trả người lạo động tại Hoành Sơn đạt 6,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với 1,3 tỷ đồng hồi cuối năm 2020. Cùng với đó, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng mạnh từ 70,7 tỷ đồng lên 143 tỷ đồng.
Khả năng trả nợ yếu
Không chỉ Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và phải trả người lao động tăng mạnh, chỉ tiêu Nợ phải trả tại Tập đoàn Hoành Sơn cũng “bứt phá”, vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, Nợ phải trả của Hoành Sơn lên đến 10.539 tỷ đồng, tăng 2.605 tỷ đồng, tương đương 32,8% so với cuối năm 2020. Nợ cao gấp 7,3 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 87,9% tổng nguồn vốn. Như vậy, đa số tài sản của Hoành Sơn đều là nợ.
Nợ cao vượt trội so với vốn chưa phải vấn đề lớn nhất của Tập đoàn Hoành Sơn. Cần phải nhấn mạnh vào yếu tố Nợ ngắn hạn quá cao. Toàn bộ Nợ phải trả của Hoành Sơn (10.539 tỷ đồng) đều là ngắn hạn. Điều đó có nghĩa Nợ dài hạn là 0 đồng. Vì vậy, áp lực trả nợ của Tập đoàn là rất lớn.
Trong khi đó, Tài sản ngắn hạn chỉ ghi nhận 7.839 tỷ đồng. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Hoành Sơn tại ngày 31/12/2021 là 0,74.
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện “Khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Năm 2021 không phải năm đầu tiên Tập đoàn Hoành Sơn rơi vào cảnh “Khả năng trả nợ yếu”. Trước đó, trong năm 2020, Hoành Sơn cũng đã trải nghiệm cảm giác này khi Hệ số khả năng thanh toán hiện thời cũng nhỏ hơn 1 và chỉ đạt 0,85.
Không nộp hết thuế, mang tiền cho vay và đầu tư tài chính
Năm 2021, Tập đoàn Hoành Sơn ghi nhận doanh thu tăng nhẹ, lợi nhuận tăng mạnh, từ đó khiến thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bứt phá.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ từ 6.543 tỷ đồng lên 6.790 tỷ đồng. Nhưng do giá vốn hàng bán giảm đáng kể, doanh thu tài chính tăng mạnh và thua lỗ khác giảm sâu, Hoành Sơn chứng kiến lợi nhuận trước thuế tăng 261 tỷ đồng, tương đương 373% lên 331 tỷ đồng.
Vì vậy, chi phí thuế thu nhập tăng mạnh từ 9,1 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Hoành Sơn đạt 264 tỷ đồng, tăng 203 tỷ đồng, tương đương 333% so với năm 2020.
Tuy nhiên, trong năm 2021, Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tại Hoành Sơn chỉ là 2,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2,7 tỷ đồng của năm 2020. Kết quả là tại ngày 31/12/2021, Hoành Sơn ghi nhận 143 tỷ đồng Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Dòng tiền vào khá tốt nhưng Hoành Sơn vẫn nợ thuế. Một trong những nguyên nhân chính là công ty mang rất nhiều tiền đi cho vay và đầu tư tài chính.
Tại ngày 31/12/2021, Hoành Sơn có 223 tỷ đồng Phải thu về cho vay ngắn hạn, tăng nhẹ so với 165 tỷ đồng hồi cuối năm 2020. Còn xét về dòng tiền, trong năm 2021, Hoành Sơn có 2.258 tỷ đồng Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác và 1.306 tỷ đồng Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Ngân hàng VietinBank, HDBank cho vay dồn dập dù khả năng trả nợ yếu
Liên tục rơi vào tình trạng “Khả năng trả nợ yếu” nhưng Hoành Sơn vẫn được một vài ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng TCMP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho vay.
Cụ thể, mới nhất, vào ngày 6/1/2023, Hoành Sơn ký hợp đồng tín dụng với HDBank – Chi nhánh Hà Tĩnh. Tài sản đảm bảo là 3.000 trái phiếu do Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico phát hành thuộc sở hữu của Hoành Sơn. Giá trị khoản vay không được tiết lộ, chỉ biết lô trái phiếu này trị giá 300 tỷ đồng.
Trước đó, VietinBank – Chi nhánh Hà Tĩnh rất nhiều lần rót vốn cho Hoành Sơn với tài sản đảm bảo khá đa dạng, từ ô tô (bao gồm cả Rolls Royce) tới cổ phiếu.