Chiều hướng sụt giảm giá phân bón có thể phần nào giúp nông dân giảm bớt khó khăn, nhưng để hưởng lợi thì vẫn cần giảm giá mạnh hơn nữa. Thế nhưng, điều này lại gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp phân bón về sản xuất kinh doanh, cạnh tranh, giữ thị phần và tìm kiếm lợi nhuận trong năm nay.
Ghi nhận trên thị trường phân Urê ở Việt Nam từ cuối tháng 3/2023 đến những ngày đầu tháng 4 này cho thấy vẫn giữ xu hướng đi xuống. Giá giảm chủ yếu do nhu cầu nội địa suy yếu.
Nhu cầu yếu kéo giá phân bón đi xuống
Còn trên thị trường thế giới, giá Urê trong đầu tháng 4/2023 đã rơi xuống mức 307,5 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021, giảm đến 70% so với đỉnh hồi tháng 4 năm ngoái.
Trước nhu cầu đang suy yếu, giá phân bón cần được giảm mạnh hơn nữa để nông dân thật sự hưởng lợi.
Xét về nhu cầu tiêu thụ hiện nay, Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn trong mảng phân Urê cho biết, đối với ngành phân bón mặc dù nhu cầu tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng trở lại so với năm 2022, tuy nhiên khả năng tiêu thụ sẽ vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2021.
Theo AgroMonitor (chuyên về phân tích và dự báo thị trường nông sản), ước tính nhu cầu phân bón của Việt Nam năm nay sẽ tăng khoảng 10-18% so với năm 2022, nhưng sẽ thấp hơn khoảng 8-13% so với 2021. Trong đó, dự kiến tăng mạnh chủng loại DAP (28-46%), Urê (12-16%), Kali (15- 26%), các chủng loại khác tăng thấp hơn NPK (7-14%), SA (7-11%)...
Đối với NPK, AgroMonitor dự báo năm 2023 tình hình sản xuất và tiêu thụ sẽ diễn biến cùng chiều, trong đó phục hồi chậm trong nửa đầu năm và có thể sẽ khả quan hơn trong các tháng cuối năm nếu giá phân đơn có sự suy giảm đáng kể.
Về tiêu thụ phân Kali tại Việt Nam, AgroMonitor dự báo năm nay sẽ tăng 24-35% so với năm 2022 lên mức 230-250 nghìn tấn, tuy nhiên vẫn giảm 110-130 nghìn tấn so với năm 2021. Lượng nhập khẩu cũng dự báo tăng lên mức 800-900 nghìn tấn, tăng 250-350 nghìn tấn so với năm 2022 nhưng vẫn giảm 300-400 nghìn tấn so với năm 2021.
Đối với DAP, trong năm 2023 nguồn nhập khẩu dự kiến tăng so với năm 2022, tuy nhiên mức tăng có thể rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2023. Các nhà máy sẽ theo dõi tình hình cung cầu và xu hướng giá để linh hoạt điều chỉnh sản xuất theo tình hình thực tế. Dự báo, lượng sản xuất năm 2023 đạt 400-420 nghìn tấn, tăng so với mức 337 nghìn tấn năm 2022.
Còn trong báo cáo về ngành phân bón được phát hành vào tháng 3/2023, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, giá các loại nông sản sụt giảm kết hợp với nhu cầu tiêu thụ suy yếu sẽ khiến cho việc kinh doanh phân bón trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn.
Với dự báo kém khả quan của giá đầu ra, được cho là sẽ tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận của các DN trong mảng phân Urê. Chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức vào hạ tuần tháng 4/2023, một số DN phân Urê đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi sau một năm lãi kỷ lục. Thậm chí có DN đặt mục tiêu lợi nhuận giảm đến gần 70% so với cùng kỳ năm rồi.
Cũng theo chuyên gia phân tích của KBSV, việc kinh doanh phân bón theo đó cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn đang duy trì ở mức cao so với thời điểm trước Covid-19 trong bối cảnh cầu tiêu thụ suy yếu.
Phải giảm mạnh để nông dân thật sự hưởng lợi
Mặc dù giá Urê và DAP đã giảm lần lượt 65% và 38% từ vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2022, giá các mặt hàng phân bón hiện vẫn đang cao hơn từ 30-60% so với mặt bằng giá giai đoạn 2018- 2019.
Không ít ý kiến cho rằng giá phân bón giảm sẽ gây áp lực lớn cho các DN, nhưng sẽ giúp cho các nông hộ giảm bớt phần nào khó khăn. Tuy vậy, qua trao đổi với VnBusiness, nhiều nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn than thở là giá phân bón tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao và nên tiếp tục giảm mạnh hơn nữa và bình ổn để họ có thể yên tâm sản xuất.
Theo ước tính, trước đây chi phí cho phân bón chiếm khoảng 20 - 25% vật tư nông nghiệp, nhưng hiện nay con số này đã lên tới 40 - 50%. Cho nên, với thời gian dài giá phân bón tăng mạnh khiến chi phí sản xuất của người nông dân tăng cao. Và đây là lúc các nông dân mong muốn được hưởng lợi thực sự trước xu hướng đảo chiều của giá phân bón để bù đắp những thiệt thòi về tăng chi phí đầu vào mà họ đã gánh chịu.
Ông Lâm Văn Nam, một nông dân trồng cây ăn quả ở huyện Châu Thành (Bến Tre), cho biết giá cả đầu ra nhiều loại nông sản chưa tăng tương xứng để bảo đảm cho người nông dân có lợi nhuận. Vì vậy, không vì lợi nhuận của các DN mà kìm giữ giá phân bón, phải làm sao cho giá phân bón và các loại vật tư đầu vào phải giảm mạnh hơn nữa thì nông dân mới thật sự hưởng lợi.
Riêng với sản xuất lúa gạo, chuyên gia phân tích của VnDirect có nhắc đến rủi ro cho ngành này khi mà giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác.
Và thực tế đang cho thấy, nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn (đơn cử như nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt bỏ lúa để trồng cây sầu riêng), điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.
Cần nhắc thêm, trong báo cáo về ngành nông nghiệp mới phát hành từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect có lưu ý với việc giá khí tự nhiên, vốn là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân bón giảm, kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào là phân bón sẽ giảm đáng kể ở hầu hết các mặt hàng.
Như với các công ty sản xuất phân Urê, giá thành sản phẩm chính của họ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động của giá khí, giá dầu. Lợi nhuận của các DN phụ thuộc rất lớn vào biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá khí để sản xuất phân bón.
Trong chuyện này, sẽ thấy phía DN phân Urê đối mặt rủi ro khi giá bán phân bón có chiều hướng giảm ngay trên thị trường nội địa. Họ sẽ phải cân bằng giữa rủi ro về mặt thị trường và cơ hội để quyết định bán sản phẩm ở mức giá hợp lý sát với giá thị trường tại các thời điểm nhằm giữ vững thị phần và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Nói chung, khi các DN phân bón thận trọng với lợi nhuận thì cơ hội hưởng lợi cho người nông dân cần được mở ra dù ít hay nhiều. Còn về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi lối mòn sản xuất để tránh phụ thuộc quá nhiều vào phân, thuốc hóa học như lâu nay.