Thời gian qua, nhiều dự án nhà ở, đất ở giảm giá bán, tăng chiết khấu cho người mua nhưng giao dịch vẫn chậm.
Dự án nhà ở thương mại tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) giảm giá thuê nhưng vắng người ở. Ảnh: B.MAI
Bắt đầu là dịch bệnh Covid-19, tiếp đến ngân hàng thắt chặt vốn vay, lãi suất tăng cao, chủ dự án không hỗ trợ lãi suất cho khách hàng như trước đã khiến cho thị trường bất động sản “đóng băng” hơn 1 năm nay.
* Giảm giá bán, tăng chiết khấu
Từ năm 2022 đến nay, không ít dự án bất động sản (BĐS) áp dụng chính sách chiết khấu, giảm giá sâu cho sản phẩm nhà. Mục đích là nhằm kích cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đề án đưa ra các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn, hướng tháo gỡ pháp lý. Người dân kỳ vọng, thời gian tới, nhà ở sẽ hạn chế tình trạng chỗ xây lên bỏ hoang, chỗ lại thiếu hụt.
Dự án Khu phố thương mại Beryl của Công ty CP Diệu Thương ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) là một trong số đó. Bà Phương Thảo, Quản lý kinh doanh dự án cho biết, công ty đưa ra chính sách giảm tiền thuê nhà bởi số lượng căn hộ cho thuê mới đếm trên đầu ngón tay. So với thời điểm năm 2021, giá nhà, dịch vụ bảo vệ không tăng, ngược lại khách hàng còn được giảm tiền tùy thời gian thuê. Cứ thuê 1 năm, khách được giảm 50% số tiền phải đóng trong 3 tháng.
Không trực tiếp công khai giảm giá bán nhưng một số khu đô thị thương mại, dự án đất nền tại Đồng Nai đã áp dụng mức chiết khấu lên đến 30% cho khách hàng thanh toán trước tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Mingroup (TP.Biên Hòa) cho rằng, thời gian này đa số các dự án BĐS nhà ở, đất ở đều giảm giá bán 10-15% so với thời kỳ cao điểm. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng cao trong khi hạn mức cho vay giảm dẫn đến nhu cầu mua ít. Thị trường BĐS thiếu ổn định, chưa tạo được niềm tin với khách hàng. Nhà đầu tư có nhiều hình thức kinh doanh khác như gửi tiết kiệm, mua vàng.
“Các dự án nhà, đất nền của công ty đã giảm thanh khoản đến 50% và cũng chấp nhận giảm lợi nhuận để giãn thời gian thanh toán hoặc tặng đồ nội thất cho khách hàng” - ông Cường nói.
Không chỉ các chủ dự án, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng giảm giá bán để “cắt lỗ”, thu hồi vốn. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, P.Thanh Bình (TP.Biên Hòa) tâm sự, trước đây bà đầu tư lướt sóng quanh khu H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc. Hầu như miếng đất nào cũng mua đi bán lại trong vòng vài tháng và lợi nhuận dao động 30%. Sau đó bà đầu tư thêm đất nền, đất tái định cư. Giữa năm 2022, bà vừa rao bán vừa gửi các môi giới bán phụ với mức giá bằng mua vào nhưng đến nay vẫn còn nguyên.
“Giờ tôi chỉ muốn bán càng sớm càng tốt để cắt lỗ. Bán được đất tôi sẽ thanh toán tiền nợ ngân hàng, phần còn lại gửi tiết kiệm, không mua thêm nữa dù có giảm giá” - bà Phượng chia sẻ.
* Kỳ vọng nhà ở giá rẻ
Gần đây, các nhà đầu tư đồng loạt giảm giá bán, tăng chiết khấu cho khách mua nhà, đất nhưng thị trường vẫn chưa “ấm” hơn. Thực tế, năm 2019, 2020 giá nhà đất lên cơn “sốt”, vượt xa so với giá trị thật nên hiện nay giá có giảm 10-20%, tăng chiết khấu thì vẫn cao hơn giá trị thực tế của BĐS.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho rằng, một số nhà đầu tư BĐS đã chấp nhận giảm giá bán, giảm lợi nhuận bởi gặp khó khăn về dòng tiền. Giao dịch trên thị trường BĐS thời gian qua sụt giảm dẫn đến nhà đầu tư không huy động được vốn từ khách hàng, cũng có thể dự án vướng pháp lý không tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng.
Còn ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ, thị trường BĐS ở tầm trung và cao cấp đang bị “đứng” bởi thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ, nguồn tín dụng có hạn. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp có hướng chuyển sang đầu tư nhà giá rẻ. So với nhà ở thương mại, với dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nhà đầu tư không phải bỏ tiền mua đất, được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của tỉnh và Chính phủ, thị trường có nhu cầu lớn và thực chất.
Hiện nay, người mua nhà ở Đồng Nai nói riêng và nhiều nơi nói chung đang có tâm lý chờ nhà đầu tư giảm thêm giá bán, chờ gói tín dụng từ các ngân hàng lớn. Khi có gói tín dụng này, thị trường sẽ có thêm sản phẩm, người mua cũng thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất bình quân trên thị trường.
Theo Sở TN-MT, từ năm 2022 đến nay nguồn thu từ giao dịch đất đai của tỉnh giảm đáng kể một phần cũng vì thị trường nhà đất ế ẩm. Để kích cầu thị trường BĐS, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sở hữu nhà, cần đầu tư mạnh vào phân khúc nhà ở, đất nền giá rẻ.