Lạm phát tăng vọt và đồng nội tệ peso lao dốc đã khiến nền kinh tế Argentina suy thoái với tốc độ chóng mặt.
Chịu lỗ vì giá biến động từng ngày
Trong những thời điểm như thế này ở Argentina, giá cả là điều bạn không thể chắc chắn.
Diego Barrera và Claudio Cayeta đồng sở hữu một cửa hàng nhôm kính nhỏ ở khu phố Palermo của Buenos Aires. Họ đã dành hai tuần vào tháng trước để điều hướng tình trạng tê liệt ảo vì tình hình kinh tế bất ổn đang bao trùm đất nước, không thể tìm nguồn nguyên liệu họ cần và kết quả là không thể báo giá cho khách hàng của họ.
Lạm phát tăng vọt và đồng peso Argentina giảm mạnh khi 540 peso chỉ đổi được 1 USD. (Nguồn: Natacha Pisarenko/AP Photo)
Barrera, 43 tuổi, cho biết: “Các nhà cung cấp của chúng tôi sẽ không cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì vì đồng đô-la Mỹ tăng giá hàng ngày, vì vậy họ không muốn chịu lỗ”.
“Tôi hiểu vì điều tương tự cũng xảy ra với tôi. Tôi phải chịu lỗ với mức giá mà tôi đã báo giá cho một số khách hàng của mình”, Barrera nói.
Thực tế này đã trở nên phổ biến một cách đáng báo động ở Argentina, với nền kinh tế đang suy thoái với tốc độ ngày càng nhanh. Giá trị tăng của đồng đô-la Mỹ thực sự là thước đo giá trị giảm mạnh của đồng peso Argentina, đã giảm tới 25% trên thị trường chợ đen trong tháng 4 vừa qua.
Vào ngày 25/4, giá trị đồng nội tệ Argentina đạt mức thấp kỷ lục khi 500 peso chỉ đổi được 1 USD theo tỷ giá không chính thức. Đây là tỷ giá thường được sử dụng làm chuẩn cho người dân Argentina vì việc kiểm soát tiền tệ hạn chế số lượng họ có thể mua theo tỷ giá hối đoái chính thức.
Với lạm phát ở mức hơn 104% trong 12 tháng qua, ngày càng khó để biết bất cứ mặt hàng nào giữ đúng giá trị, chứ chưa nói đến việc ước lượng ngân sách cho các vật dụng hàng ngày. Chỉ riêng giá thực phẩm đã tăng trung bình 10% trong tháng 3 so với tháng 2 trước đó ở khu vực Greater Buenos Aires, trong khi trái cây và rau quả tăng khoảng 15%, riêng trứng tăng 25%.
Nguyên liệu thô, giống như những thứ mà Barrera và Cayeta cần để kinh doanh, cũng không thể dự đoán được, vì giá cả tăng giảm theo giá trị của đồng tiền. Barrera cho biết giá thủy tinh đã tăng 10% vào giữa tháng 4 và nhà cung cấp của anh đã khuyên anh tăng báo giá lần thứ hai với mức tương tự 2 tuần sau đó.
Diego Barrera, một chủ cửa hàng nhôm kính, đã chứng kiến công việc kinh doanh của mình gần như bị đình trệ vì không thể tìm nguồn nguyên liệu do giá cả biến động mạnh. (Nguồn: Natalie Alcoba/Al Jazeera)
Tất cả những điều này đã thúc đẩy bầu không khí bất ổn trong cuộc bầu cử năm nay. Tổng thống không được lòng dân - ông Alberto Fernandez chính thức tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử, và sau đó đổ lỗi cho việc đồng tiền mất giá là do tin đồn và đầu cơ do các chính trị gia cánh hữu thúc đẩy.
Trên mạng xã hội, Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Argentina - ông Sergio Massa cho biết ông sẽ sử dụng “tất cả các công cụ của nhà nước để giải quyết tình trạng này”, bao gồm cả việc xác định lại các điều khoản của thỏa thuận gây tranh cãi với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để trả lại khoản vay 44 tỷ USD.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Argentina can thiệp và giao dịch trái phiếu vào ngày 25/4, một động thái trái với thỏa thuận IMF, tỷ giá hối đoái không chính thức đã giảm mạnh xuống 460 peso trên 1 USD. Argentina cũng thông báo rằng họ sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, thay vì đồng đô-la Mỹ, một động thái sẽ giúp bảo vệ dự trữ đồng bạc xanh của nước này.
Nhưng trên đường phố, thiệt hại từ sự biến động này đang diễn ra.
Tối đa nguồn thu, tối giản chi tiêu
“Đừng hỏi tôi thích nghi như thế nào. Nhưng bằng cách nào đó, tôi đã làm được”, Emiliano Espindola, 47 tuổi, vừa nói vừa trộn pho mát feta với gia vị, cà chua và dưa chuột ở phía sau một cửa hàng bán đồ ăn Trung Đông.
Giá hàng hóa tại cửa hàng tạp hóa thay đổi hàng tuần ở Argentina khi lạm phát tăng vọt (Nguồn: Natalie Alcoba/Al Jazeera)
Espindola là một đầu bếp ở Belgrano, một khu vực giàu có của Buenos Aires, nơi mà anh nhấn mạnh rằng người dân ở đây có lẽ đã được cách ly khỏi sự biến động tài chính. Nhưng trong số đó không bao gồm anh, một công nhân, người đi xe buýt mất một tiếng rưỡi mỗi chiều từ ngoại ô Buenos Aires để có thể chu cấp cho cô con gái đang tuổi vị thành niên của mình. Espindola cũng nhận những công việc lặt vặt như một công nhân xây dựng để kiếm sống qua ngày.
Anh nói: “Tôi luôn săn tìm mức lương tốt nhất, nhưng đồng thời cũng tối giản chi tiêu của mình. Nói chung, nỗi đau kinh tế là trên diện rộng. Giá vé xe buýt tăng lên hàng tháng. Và chúng tôi thậm chí không nhắc đến cửa hàng tạp hóa. Tuần này thì hàng hóa có mức giá này, nhưng tuần tiếp theo lại có một mức giá khác”.
Đối với Yolanda Gonzalez, một y tá 53 tuổi và là trụ cột kinh tế trong gia đình, giải pháp là cắt giảm số bữa ăn của cả nhà. Gia đình họ không thể mua quần áo mới và phải giới hạn những chuyến đi chơi tự do tiêu tốn ít chi phí. “Bạn làm việc 24 giờ/ngày vẫn chưa đủ, bạn làm việc 30 ngày/tháng cũng chưa đủ”, Gonzalez nói.
Nhà kinh tế Martin Kalos, Giám đốc Công ty EPyCA Consultores có trụ sở tại Buenos Aires, cho biết Argentina đã trải qua phần lớn thời gian trong 12 năm qua trong tình trạng suy thoái hoặc trì trệ.
Các số liệu mới nhất từ năm 2022 cho thấy tình trạng nghèo đói ảnh hưởng đến gần 40% dân số và cứ 2 trẻ em thì có 1 trẻ sống dưới mức nghèo khổ, theo cơ quan điều tra dân số quốc gia. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ bốn thập kỷ trước, với sự xói mòn dần năng lực sản xuất của đất nước và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.
Ông Kalos cho biết: “Argentina cần khẩn trương phục hồi tốc độ tăng trưởng của mình, nhưng trước tiên, nước này cần ổn định nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát của Argentina không chỉ trên 100% mà còn đang tăng nhanh hơn và chúng tôi không biết nó sẽ tiến gần đến mức 130 hay 150% trong năm tới”.
Chính phủ Argentina đã chuyển sang các kế hoạch ấn định giá để cố gắng làm dịu tác động khủng khiếp của lạm phát, thực hiện các thỏa thuận với các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn. Nhưng ngay cả những chương trình này cũng có những hạn chế bởi nguồn cung thay đổi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác và các cửa hàng tạp hóa nhỏ hơn nằm ngoài thỏa thuận ấn định giá, khiến họ không thể cạnh tranh với mức giá rẻ nhất.
Chọn “phương án 2” vì rẻ hơn
Việc tăng giá không ngừng có nghĩa là các nhãn hiệu sản phẩm rẻ hơn đang tràn ngập thị trường.
Tại cửa hàng tạp hóa của mình, Victoria Alcober hiện bán các gói thuốc lá "không chính thức" thay thế cho các nhãn hiệu lớn đắt tiền hơn. (Nguồn: Natalie Alcoba/Al Jazeera)
Victoria Alcober mời chào một số bao thuốc lá “không chính thức” mà cô bắt đầu cung cấp tại cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình ở thành phố Ensenada, cách Thủ đô Buenos Aires khoảng một giờ đi xe. Chính những khách hàng của cô ấy đã gợi ý về những bao thuốc có giá chỉ bằng 1/3 giá của những bao thuốc nhãn hiệu lớn hơn, nổi tiếng hơn.
“Là một tiểu thương, bạn phải đi tìm chúng vì đó là những gì mà mọi người đang muốn mua. Hiện có rất nhiều thương hiệu thay thế mà người dân đang sử dụng vì mọi thứ đều tăng giá”, Alcober nói.
Barrera, chủ cửa hàng nhôm kính, vô cùng thất vọng và kiệt sức trước tình trạng tài chính bấp bênh hàng ngày và sự bất lực của tầng lớp chính trị trong việc kiềm chế sự hỗn loạn. Nhưng anh lo ngại rằng những quan điểm cực đoan như đô-la hóa nền kinh tế sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, và tỏ ra lo lắng rằng những giải pháp thay thế lãnh đạo tốt sẽ không thành hiện thực.