Năm 2022, 2023, Chính phủ nỗ lực kích cầu thông qua đầu tư công với việc triển khai các dự án cao tốc, sân bay Long Thành và một số dự án cảng. Tại các địa phương thì chính quyền cũng thúc đẩy đầu tư một số dự án trọng điểm. Xu thế này tạo ra công việc cho các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu thi công hạ tầng lớn.
Ông Phạm Viết Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON
Tuy nhiên FECON chưa thực sự tham gia vì bản thân nhìn nhận một số rủi ro từ các dự án này. Trước đây, Công ty đã tính toán chi phí cho đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 nhưng sau đó quyết định không tham gia. Gần đây, chúng tôi cũng khảo sát, tính toán kỹ chi phí cho đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Công trình này có những hạng mục sở trường của FECON như xử lý nền yếu, nhưng cũng có nhiều thách thức, đơn cử, định mức đơn giá vẫn áp dụng của dự án cao tốc giai đoạn 1. Công ty đã đề nghị với chủ đầu tư, cũng như với các nhà thầu liên danh về việc có biện pháp điều chỉnh đơn giá, nhưng vì yêu cầu tiến độ thực hiện quá gấp cho nên các bên không cam kết được việc điều chỉnh. FECON kiểm soát rủi ro nên không tham gia dự án này.
Chúng tôi đang đảm nhiệm một số hạng mục trong Dự án Sân bay Long Thành và sắp tới sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vì giá ở đây tương đối tốt do được tính theo công trình đặc biệt. Cùng lúc, Công ty cũng tiếp cận các dự án ở Hà Nội, TP.HCM, các địa phương xung quanh 2 thành phố lớn này và Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty kỳ vọng khi những doanh nghiệp lớn khác lo việc ở các dự án cao tốc, sự cạnh tranh tại các dự án ở địa phương sẽ giảm đi.
Việc thúc đẩy đầu tư công có ảnh hưởng tốt đến doanh nghiệp xây dựng hạ tầng về công việc nhưng vẫn có rủi ro nhất định. FECON sẽ thận trọng trong việc tham gia các dự án, chọn các dự án chắc chắn về lợi nhuận, cũng như dòng tiền.