Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) hiện có trên 24 nghìn khách hàng là doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng (chiếm 81,04% trong tổng sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ trên toàn tỉnh). Trước áp lực cạnh tranh của thị trường cộng với giá điện điều chỉnh tăng từ đầu tháng 5/2023, nhiều DN đã và đang tìm cách thích ứng bằng các giải pháp tiết kiệm.
Trung bình mỗi tháng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại
TNG sản xuất trên 4 triệu sản phẩm may xuất khẩu. Với công suất này, Công ty phải chi trả trên 4 tỷ đồng tiền điện/tháng.
Để giảm bớt chi phí sản xuất trong bối cảnh giá điện tăng,
TNG đã thực hiện các biện pháp: Đưa vào sử dụng các trang thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên thay thế các thiết bị điện; yêu cầu người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định về tiết kiệm điện.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Cơ điện (Chi nhánh
TNG Đồng Hỷ), chia sẻ: Tại nơi làm việc, chúng tôi chấp hành nghiêm nội quy tắt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc; cài đặt chế độ điều hòa làm mát từ 25 độ C trở lên và dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng. Ngoài ra,
TNG ứng dụng phần mềm theo dõi sản lượng điện hằng tháng, nhằm đưa ra kế hoạch và phương án điều chỉnh lượng tiêu thụ điện phù hợp.
Tương tự, tại Công ty TNHH nhựa châu Âu xanh, ông Lương Đình Cường, Trưởng phòng kỹ thuật của đơn vị, cho biết: Để tiết kiệm điện năng, nhiều máy móc của Công ty như máy nén khí, máy làm lạnh... được sử dụng hệ thống biến tần.
Còn một số đơn vị khác như: Công ty CP cơ khí Gang thép, Công ty CP Nam Việt... đã tiết giảm điện năng tiêu thụ nhờ việc bố trí ca làm việc vào giờ thấp điểm; thay thế sử dụng 100% bóng đèn LED; thường xuyên kiểm tra các máy, dây chuyền sản xuất để bảo đảm hoạt động trơn tru, không bị rò rỉ nhằm giảm thiểu thất thoát điện, đảm bảo công suất....
Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh, giá điện điều chỉnh tăng 3% có tác động trực tiếp đến chi phí của DN. Tuy nhiên, nhờ thích ứng bằng các giải pháp tiết kiệm điện nên hầu hết DN duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, giá bán sản phẩm cơ bản được bình ổn. Điều này vừa có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của DN, vừa thể hiện sự chia sẻ, góp phần cùng ngành Điện sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong mùa nắng nóng.
Tuy vậy, nhiều DN kiến nghị, với chính sách giá điện như hiện nay, cần có thêm cơ chế khuyến khích các DN đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng; cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giá cả trên thị trường nhằm bảo đảm bình ổn giá, công khai, minh bạch, tránh tính trạng "té nước theo mưa" ảnh hưởng đến hoạt động của DN…
Theo ông Trần Hồ Nam, Giám đốc PC Thái Nguyên: Để bảo đảm cung cấp điện ổn định, ngành Điện đã triển khai nhiều giải pháp về kỹ thuật; phối hợp với các DN rà soát, cập nhật, đánh giá, phân tích nhu cầu phụ tải. Trên cơ sở đó, PC Thái Nguyên ký cam kết điều chỉnh phụ tải với 118 khách hàng là các DN lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đơn vị đã và đang nỗ lực điều chỉnh giảm phụ tải 20% so với công suất đăng ký. Thời gian tới, ngành Điện tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị, DN và khách hàng chung tay thực hiện tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện một lúc, không sử dụng thiết bị có công suất lớn vào giờ cao điểm, góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn điện, bảo đảm hệ thống lưới điện vận hành an toàn, ổn định...