• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 11:56:33 CH - Mở cửa
Thiếu liên kết là “lực cản” của ngành logistics
Nguồn tin: Báo Hải quan | 25/05/2023 7:55:00 SA
Các doanh nghiệp logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì mạnh, không hề thua kém các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhìn nhận tổng thể họ lại đang làm thuê trên chính “sân nhà”. Vấn đề thiếu liên kết được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành logistics Việt Nam chưa tận dụng hết lợi thế.
 
 
Ngành logistics Việt Nam còn nhiều tiềm năng để hoàn thiện và phát triển. Ảnh: ST
 
Chưa hình thành mạng lưới doanh nghiệp quy mô lớn
 
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14 - 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, địa chính trị trên phạm vi toàn cầu.
 
Tuy nhiên, ngành logistics cũng còn những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cáp Trọng Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (VICONSHIP) cho rằng các doanh nghiệp logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì mạnh, không hề thua kém các doanh nghiệp FDI, nhưng nhìn nhận tổng thể họ lại đang làm thuê trên chính “sân nhà”. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào công nghệ và nhân lực, sau đó thuê ngoài.
 
“Chúng tôi có rất nhiều khách hàng nước ngoài lớn, có hạ tầng, nhân lực, quy trình… nhưng thực tế chúng tôi vẫn là người làm thuê cho họ”, ông Cáp Trọng Cường chia sẻ và cho biết thêm tính tương trợ, liên kết lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam từ nhỏ đến lớn còn rất yếu, khiến ngành chưa phát triển đúng với tiềm năng hiện có.
 
Trên thị trường hiện nay có nhiều tên tuổi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics với mạng lưới rất lớn nhưng tính tương hỗ không cao. “Đây là điều làm cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam chưa phát triển đúng với tầm quan trọng. Đây cũng là điều làm cho chi phí logistics tại Việt Nam đang rất cao. Có một nghịch lý là, chúng ta đang cạnh tranh với nhau phục vụ các đối tác nước ngoài bằng việc hạ giá, song chúng ta lại đưa ra mức phí cao đối với các doanh nghiệp nội địa. Đó là điều rất vô lí”, ông Cường cho biết.
 
“Cá nhân tôi không tán thành việc cạnh tranh bằng giá. Chúng ta làm tốt việc giảm giá nhưng đến ngưỡng giới hạn nào đó, nếu tiếp tục hạ giá thì sẽ có doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, hạ giá mãi thì cũng không có tích lũy để tái đầu tư công nghệ mới”, ông Cường nêu quan điểm. Đặc biệt nhấn mạnh vào khía cạnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam, Tổng giám đốc VICONSHIP khẳng định mức giá của Việt Nam đang ở vùng trũng so với thế giới. “Khi đề cập đến lĩnh vực cảng biển, nói thật, tôi cảm thấy xấu hổ vì giá của Việt Nam ở vùng trũng thế giới; thậm chí giá tại cảng Hải Phòng là thấp nhất thế giới. Chúng ta thua cả Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore…”, ông Cường bày tỏ. Với tâm huyết của những người làm trong lĩnh vực logistics Việt Nam, theo ông Cường phải tìm ra giải pháp, liên kết cùng nhau để đưa ra bài toán hợp lý, hướng tới tất cả cùng giảm chi phí xuống.
 
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất. Muốn hướng tới môi trường xanh thì phải thay đổi công nghệ. Đến thời điểm này hầu hết các cảng, trung tâm logistics của VICONSHIP đều tối ưu hóa quy trình sản xuất, hướng tới sản phẩm, phương tiện thân thiện môi trường hơn và xanh hóa môi trường làm việc.
 
Phát triển công nghệ đi đôi gia tăng dịch vụ giá trị
 
Nhắc tới khắc phục các tồn tại, phát triển ngành logistics trong thời gian tới, theo ông Cường, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. Hiện, nhiều doanh nghiệp đang quá quan tâm đến mảng kinh doanh cốt lõi mà chưa để ý nhiều đến những dịch vụ gia tăng thêm giá trị cho bạn hàng của mình. Ví dụ, với những doanh nghiệp khai thác kho, chỉ quan tâm một ngày có bao nhiêu CBM (m3) hay có bao nhiêu container vào kho. Nhưng khi khách hàng có nhu cầu dịch vụ khác, dù nhỏ như thay tem, gắn tem thì lại không đáp ứng được. Điều đó làm mất tính cạnh tranh. Hoặc với mảng cảng biển, một số doanh nghiệp chỉ đầu tư thiết bị nâng, hạ nhưng khi có lô hàng siêu trường, siêu trọng thì lại phải thuê các đối tác bên ngoài, mất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, chi phí đầu tư cũng không hề lớn.
 
“Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics có rất nhiều cơ hội, thị trường rất giàu tiềm năng, vẫn có thể hoàn thiện bản thân mình hơn để tận dụng cơ hội”, ông Cường nói.
 
Theo ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam, sự phát triển của ngành logistics hiện nay đang đòi hỏi các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như e-commerce, last-mile delivery... Nhà kho hiện đại được xây dựng để đáp ứng những yêu cầu này. Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác. Với những ưu điểm trên, nhà kho hiện đại đang dần thay thế các hệ thống lưu trữ truyền thống trong ngành logistics; các công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng. Các hệ thống kho thông minh cung cấp thông tin chi tiết về quy trình lưu trữ, vận chuyển và quản lý hàng hóa, giúp tối ưu hóa tất cả các hoạt động này.
 
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại đường sắt (RATRACO):
 
Vận tải đường sắt là một trong các giải pháp tối ưu
 
 
Bên cạnh các giải pháp vận tải hàng hóa thì giải pháp vận tải đường sắt cũng là một trong những giải pháp tối ưu, có nhiều thuận lợi. Khác với đường biển có nhiều thuận lợi khi kết nối cảng biển với cơ sở công nghiệp thì đường sắt có lợi thế có thể đi rất sâu vào nội địa. Dù còn rất nhiều hạn chế nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan hữu quan thì hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sẽ khởi sắc thời gian tới.
 
Bên cạnh các giải pháp logistics cho container nóng thì chúng tôi có giải pháp đối với container lạnh, có thể nói là đặc thù và duy nhất tại Việt Nam. Container lạnh có thiết bị tự phát, động cơ tự cấp nguồn, có thể hoạt động trong thời gian được 25 ngày, có thể điều khiển từ xa. Với việc gia tăng tiện ích trong việc vận tải hàng hóa bằng đường sắt sẽ góp phần giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA):
 
Triển vọng logistics từ sự phát triển logistics nội địa và thương mại điện tử
 
 
Hiện nay thương mại toàn cầu sụt giảm ảnh hưởng tới thương mại của nước ta, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, logistics không chỉ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu vì bên cạnh đó còn thương mại, phân phối nội địa. Ngoài ra có dòng thương mại mới, đang phát triển mạnh mẽ, đó là dòng thương mại điện tử.
 
Logistics đang phục vụ dòng thương mại xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và thương mại điện tử. Dù hiện nay động lực xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng nhưng ngược lại hai dòng thương mại còn lại đang rất tiềm năng. Do đó, đây chỉ là khó khăn tạm thời, ngành logistics còn nhiều cơ hội để phát triển.
 
Ông Robbin Hou, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc):
 
Thương mại điện tử đang là cơ hội
 
 
Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử.
 
Ngành logistics truyền thống yêu cầu quản lý kho tập trung, quy mô lớn. Nhưng dưới sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các kho phân phối trở nên linh hoạt hơn. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động bán hàng truyền thống chuyển sang trực tuyến. Ví dụ, đối với các cửa hàng bán lẻ, ngoài cách bán hàng truyền thống, còn có thể tận dụng sự tiện lợi của kho hàng tích hợp và bán hàng, đồng thời thực hiện dịch vụ giao hàng tận nơi nhanh chóng thông qua giao dịch trực tuyến, giúp cửa hàng tăng doanh số cũng như doanh thu cho chính họ.
 
Bà Nguyễn Thu Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vinexad:
 
 
Bà Nguyễn Thu Hồng.
 
Một trong những phân ngành được quan tâm nhất tại Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam (VILOG 2023) là ứng dụng công nghệ logistics. Những tiến bộ trong công nghệ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta theo nhiều cách không thể đong đếm được; trong lĩnh vực logistics cũng vậy, công nghệ mới đang thay đổi nhanh chóng cách thức hoạt động kinh doanh. Với nhu cầu của người tiêu dùng về việc vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn và linh hoạt hơn, việc bắt kịp nhịp phát triển định hình ngành logistics ngày nay là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
 
Trước làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh, đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
 
Thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics
 
 
Ông Trần Thanh Hải.
 
Ngành logistics Việt Nam bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử thì phải đối mặt với khó khăn, thách thức như chi phí dịch vụ cao, áp lực cơ sở hạ tầng, thích ứng với hệ sinh thái xanh. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về tiềm năng phát triển ngành logistics cũng như xu hướng trong thời gian tới.
 
Ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam thời gian qua?
 
Những năm gần đây mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 song ngành logicstics Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ vào kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.
 
Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…
 
Điểm yếu nào của ngành logistics Việt Nam khiến cho việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa chưa được nhanh chóng để cạnh tranh được với các nước trên thế giới?
 
Hiện nay các doanh nghiệp logistics Việt Nam có lợi thế từ hoạt động sản xuất, thương mại trong nước và quốc tế phát triển rất nhanh chóng, đó là nguồn hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên doanh nghiệp không thể chỉ trông cậy vào nguồn hàng trong nước mà phải tiến ra nước ngoài để thiết lập cuộc chơi bình đẳng, qua đó cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam (từ 10-12/8/2023 tại TPHCM - PV) là một cơ hội để doanh nghiệp logistics Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, giới thiệu mình với thế giới; là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.
 
Thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đây cũng là xu hướng chung trong phát triển kinh tế. Đối với ngành logistics, doanh nghiệp cần làm gì để theo kịp tốc độ xanh hóa và hướng tới phát triển bền vững?
 
Xanh hóa hay logisctics xanh đã trở thành mệnh lệnh của doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp logistics. Chúng ta thấy chỉ trong thời gian rất ngắn nữa thôi các yêu cầu, hàng rào, các biện pháp liên quan đến môi trường sẽ được áp dụng, trước hết là đối với thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: EU và nhiều nước phát triển trên thế giới. Nếu như các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu thì có thể bị loại ra chuỗi cung ứng, loại ra khỏi cuộc chơi.
 
Vậy thì kể cả doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp dịch vụ logistics phải nhận thức được vấn đề này để có thể chuyển biến kịp thời. Mục tiêu là giảm phát thải ròng tiến tới bằng 0, nghĩa là phát thải phải bù đắp bằng hoạt động giảm phát thải. Đây là vấn đề lớn và mới, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng cần cập nhật kịp thời với thái độ khẩn trương thích ứng.
 
Xin cảm ơn ông!