• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 8:38:17 CH - Mở cửa
Để ngành hàng sen phát triển bền vững
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp | 29/05/2023 6:40:00 SA
Đồng Tháp là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển cây sen. Để tăng hiệu quả kinh tế từ cây sen, phát triển tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị biểu tượng, hình ảnh của Đồng Tháp, tỉnh thực hiện Đề án khoa học “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp” (gọi tắt là Đề án) do PGS.TS. Đặng Văn Đông (Viện nghiên cứu rau quả) làm Chủ nhiệm...
 
 
Nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười thu hoạch gương sen (Ảnh: Mỹ Nhân)
 
Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông, Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có khoảng 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen; 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
 
Chị Hồ Thị Diễm Thúy - chủ Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) chia sẻ, nhận thấy địa phương có diện tích trồng sen lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào nên tôi nảy ra ý tưởng nấu sữa hạt sen để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, ngoài  sản phẩm sữa sen tươi, cơ sở phát triển thêm sản phẩm sữa sen dạng bột được thị trường rất ưa chuộng.
 
Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn nhưng đến nay cây sen tỉnh nhà vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Trong đó, bộ giống sen ở Đồng Tháp chưa phong phú, đa dạng về chủng loại, màu sắc và đang bị thoái hóa, sâu bệnh phá hoại rất nặng dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Mặt khác, sản xuất sen vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu sen, đảm bảo chất lượng, đồng đều và số lượng đủ lớn để thực hiện các hợp đồng liên kết tiêu thụ lớn; một số mô hình sản xuất kết hợp với làm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa phát huy được hiệu quả...
 
Trước những thách thức đó, Đề án đi sâu vào giải quyết những thách thức, khó khăn mà ngành hàng sen đang đối diện. Để phát triển ngành hàng sen, Đề án đề xuất hình thành các vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị. Trong đó, cần quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ. Với định hướng đó, Đề án đề ra các giải pháp là đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển kinh tế trang trại; phát triển kinh tế hợp tác và nguồn nhân lực. 
 
Để sản xuất sen theo chuỗi giá trị, Đề án còn đề ra giải pháp nghiên cứu, thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn. Trong đó, tập trung canh tác sen tại các huyện có tiềm năng như: Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi sản xuất, quan trắc môi trường (đất, nước); phát triển công nghệ thông tin gắn với công nghệ sinh học, công nghệ tự động, cảm biến... vào sản xuất nhằm kết nối, theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, chế biến, thương mại, phát triển sản phẩm mới có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Ứng dụng công nghệ cấy mô tạo ra cây giống chất lượng cao, sạch bệnh; nhân nhanh giống mới, chất lượng tốt, chống chịu sâu, bệnh; xây dựng hệ thống canh tác (sen - lúa, sen - cá, sen chuyên canh...).
 
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, hiện nay, tại Đồng Tháp giống sen Đài Loan được trồng với khoảng 85% diện tích. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn trồng các giống sen bản địa khác như: sen trắng Tràm Chim, sen hồng Tràm Chim... Ưu điểm của bộ giống sen tại Đồng Tháp là thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, dễ canh tác, phù hợp trồng trên diện rộng. Tuy nhiên, nhược điểm là cây sen bị côn trùng, bệnh gây hại khá nhiều. Đáng chú ý là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thối ngó, thối dây, bọ trĩ, sâu ăn lá. Đồng thời thiếu các giống với mục đích sử dụng riêng biệt. Trước những thách thức trên, Đề án định hướng bổ sung vào các giống sen mới, có chất lượng cao, thích hợp phát triển tại Đồng Tháp để thay thế các giống sen cũ. Đặc biệt là các loại giống khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau (lấy hoa, hạt, ngó...).
 
Phát triển các cơ sở doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cây sen cũng là hướng đi quan trọng để phát triển ngành hàng. Trong đó, quan tâm xây dựng chính sách về phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, chế biến sản phẩm từ cây sen. Để đạt được điều đó, cần có cơ chế thuận lợi trong việc tạo vùng trồng của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo nguồn lợi cho người nông dân. Mặt khác, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp tại địa phương; cần có chính sách thu hút đầu tư thu hút các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm đặt nhà máy tại địa phương...
 
 
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt chuẩn bị công đoạn sấy trà tim sen (Ảnh: Mỹ Lý)
 
Hướng tới xuất khẩu các sản phẩm sen, Đề án còn đề xuất hướng đến các mô hình liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để đưa các sản phẩm sen có chất lượng ra thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước như: mô hình sản xuất các chủng loại hoa sen giống mới có giá trị kinh tế cao; mô hình hộ, trang trại/cơ sở sản xuất sen và các sản phẩm sen gắn với phát triển du lịch; mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp trung tâm trình diễn sản xuất, bảo quản, chế biến hoa sen ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, Đề án còn đề xuất về thể chế, chính sách phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị thông qua việc đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói sản phẩm, bảo quản; hỗ trợ hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở chế biến sản phẩm từ sen; phát triển và mở rộng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; phát triển, đa dạng các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị cây sen...
 
Đáng quan tâm là Đề án còn xây dựng được bản dự thảo Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030” hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp theo chuỗi trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tạo ra các sản phẩm sen Đồng Tháp chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hình thành các vùng sản xuất sen tập trung, ứng dụng công nghệ cao; sưu tầm và chọn lọc một số giống sen mới, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; phát triển các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cây sen trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý sản phẩm sen Đồng Tháp...
 
Chia sẻ tại hội nghị chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ quý I, anh Lê Văn Bo (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) - nông dân có 13 năm kinh nghiệm trồng sen nói: Để khai thác hết tiềm năng của cây sen, ngoài nhiệm vụ “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp”, rất mong các ngành hữu quan, nhà khoa học tiếp tục có nhiều đề tài nghiên cứu về cây sen mang tính đồng bộ để hỗ trợ nông dân quy trình canh tác sen hữu cơ, phòng trừ dịch bệnh, phát triển thị trường tiêu thụ, chế biến sâu, tiến đến xuất khẩu... nhằm giúp ngành hàng này phát triển bền vững.