Suốt nhiều tháng qua, lượng tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi giá thép giảm mạnh khiến các doanh nghiệp ngành Thép trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp phải thu gọn, thậm chí tạm dừng sản xuất, cắt giảm sản lượng vì thua lỗ nặng.
Công nhân Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tập trung sửa chữa, bảo dưỡng máy móc trong thời gian dây chuyền sản xuất tạm dừng hoạt động. Ảnh: Lăng Khoa
Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên là đơn vị sản xuất phôi thép với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do giá phôi thép giảm mạnh, Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty, cho biết: Nếu đầu tháng 3, giá phôi thép là khoảng 14 triệu đồng/tấn, thì đến thời điểm hiện tại chỉ còn 12 triệu đồng/tấn. Trước đà giảm của thị trường, chúng tôi buộc phải tạm dừng sản xuất 45 ngày, từ ngày 15-4 đến 31-5. Đầu tháng 6, nhà máy vận hành trở lại, nhưng càng làm càng lỗ bởi tính chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã trên 13 triệu đồng/tấn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 7 đợt điều chỉnh giảm. Hiện nay, giá thép dao động quanh mốc 14-15 triệu đồng/tấn. Riêng thép Thái Nguyên, mức giảm là 200 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, xuống mức 14.790 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá không thay đổi là 15.100 đồng/kg.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước. Điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản bị "đóng băng", kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ngưng trệ.
Thị trường xuất khẩu cũng không thuận lợi do suy thoái kinh tế, khiến lượng tiêu thụ đầu ra của các nhà máy sản xuất thép sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, lượng hàng tồn kho lớn, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn và thiếu điện phục vụ sản xuất cũng đẩy chi phí của các doanh nghiệp tăng cao.
Để tháo gỡ khó khăn, các đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý nhằm tối ưu hóa sản xuất, vận hành, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho. Cùng với đó là tái cơ cấu bộ máy lao động, dây chuyền sản xuất, quản lý tài nguyên khoáng sản để nâng cao năng suất lao động.
Về vấn đề này, ông Trương Cao Khánh, Chánh Văn phòng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, cho biết: Ngoài việc thúc đẩy các hoạt động bán hàng, Công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các khâu vận hành; tăng cường khoán chi phí nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc và người lao động.
Anh Phạm Xuân Huy, công nhân Phân xưởng Cán thép, Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, các nhà máy phải thu gọn hoặc tạm dừng sản xuất khiến đời sống, việc làm của công nhân chúng tôi gặp khó khăn. Tuy nhiên, Công ty vẫn tạo điều kiện cho chúng tôi được làm việc luân phiên 15 ngày/tháng, với các công việc dọn dẹp nhà xưởng, bảo dưỡng máy móc thiết bị để đảm bảo mức lương tối thiểu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa: Từ thực tế có thể thấy thị trường thép vẫn đang rất khó khăn. Thời điểm này, sản lượng tiêu thụ thép giảm khoảng 25%-30% so với cùng kỳ năm 2022. Thực tế này buộc các đơn vị phải cắt giảm sản xuất, giãn, hoãn thời gian làm việc. Đây là việc khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo ông Đa, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường thép hồi phục và phát triển trở lại. Theo đó, năm 2023, Chính phủ dự kiến chi trên 700 nghìn tỷ đồng cho giải ngân đầu tư công, tương đương mức tăng 34% so với kế hoạch năm 2022. Đây là tín hiệu khả quan được cả ngành Thép mong đợi. Tuy nhiên, để thị trường thép thực sự phục hồi trở lại thì sẽ phải đến hết năm 2023.
“Hiện VSA đã có văn bản gửi lên Chính phủ kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường bất động sản, giảm thuế, giảm lãi suất, kích cầu đầu tư công… Từ đó tháo gỡ khó khăn phần nào cho ngành Thép” - ông Đa cho hay.